Tôi bị thoát vị đĩa đệm gây đau lưng và tê bì chân, uống thuốc không bớt. Tôi làm công việc tay chân nên sợ phẫu thuật ảnh hưởng đến vận động. Có phương pháp điều trị nào khác không? (Tùng, 34 tuổi)
Trả lời:
Thoát vị đĩa đệm xảy ra khi một hoặc nhiều đĩa đệm nằm giữa các đốt sống lưng và cổ bị trượt ra khỏi vị trí ban đầu, chèn ép tủy sống và các dây thần kinh, gây đau nhức, rối loạn cảm giác tại chỗ. Đây là bệnh lý xương khớp phổ biến, xảy ra nhiều ở người thường xuyên lao động nặng hoặc làm việc sai tư thế. Tại Việt Nam, độ tuổi mắc thoát vị đĩa đệm thường khoảng 30-60 tuổi, đang có xu hướng trẻ hóa.
Thoát vị đĩa đệm gây đau nhức vùng thắt lưng, lan xuống mông, chân, cảm giác tê, ngứa ran ở một hoặc cả hai bên chân, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và giảm khả năng lao động. Nếu không điều trị, bệnh có thể tiến triển nặng hơn dẫn đến các biến chứng teo cơ chi, yếu hoặc liệt vận động, rối loạn cơ tròn (đại tiểu tiện không tự chủ)…
Trước đây, khi điều trị nội khoa hoặc tập vật lý trị liệu không hiệu quả, phẫu thuật là lựa chọn cuối cùng cho người bệnh thoát vị đĩa đệm. Song phương pháp này tiềm ẩn nguy cơ biến chứng, thời gian hồi phục lâu, ảnh hưởng tâm lý của bệnh nhân sợ phẫu thuật.
Gần đây, người bệnh có thêm lựa chọn mới là đốt sóng cao tần. Phương pháp này dùng sóng cao tần tạo ra nhiệt làm phân hủy đĩa đệm, khiến phần nhân nhầy thoát vị teo nhỏ lại, giảm chèn ép thần kinh và tủy sống. Nhiệt lượng còn làm tổn thương dây thần kinh cảm giác ở trung tâm đĩa đệm giúp giảm đau ngay tức thì. Sự hỗ trợ của máy cắt lớp vi tính hoặc máy chụp mạch DSA giúp bác sĩ định vị kim đốt đúng vị trí khối thoát vị đĩa đệm, tránh phạm phải các dây thần kinh.
Ưu điểm của đốt sóng cao tần là ít xâm lấn, vết kim chọc chỉ khoảng 1 cm, do đó người bệnh hồi phục nhanh, không cần nằm viện lâu. Hiệu quả giảm đau nhanh, có thể thấy ngay sau khi can thiệp. Phương pháp này có độ an toàn cao, ít biến chứng.
Đốt sóng cao tần phù hợp với các trường hợp phình, thoát vị đĩa đệm mức độ nhẹ đến trung bình, khối thoát vị đĩa đệm chưa di trú, chưa bị rách bao xơ, đã được điều trị bảo tồn như dùng thuốc, vật lý trị liệu nhưng không hiệu quả; người không muốn hoặc không đủ điều kiện phẫu thuật. Các trường hợp thoát vị nặng, mất vững cột sống hoặc gây tổn thương thần kinh nghiêm trọng thường cần được phẫu thuật để điều trị triệt để.
Bạn nên đến bác sĩ chuyên khoa cơ xương khớp hoặc điện quang can thiệp, làm các xét nghiệm đánh giá chính xác về tình trạng đĩa đệm để lựa chọn phương pháp phù hợp. Mặt khác, duy trì cân nặng khỏe mạnh, tránh béo phì cũng hạn chế các biến chứng của thoát vị đĩa đệm. Bạn nên có chế độ dinh dưỡng lành mạnh, đủ chất, tăng cường thực phẩm giàu canxi, vitamin D, protein, omega-3. Hạn chế thực phẩm nhiều đường, muối, đồ chiên rán, thuốc lá và rượu bia. Tập luyện hàng ngày để tăng cường sức mạnh cơ bắp, giảm áp lực lên cột sống, tránh vận động quá mạnh hoặc sai cách làm tăng áp lực lên đĩa đệm.
BS.CKII Lê Văn Khánh
Trưởng khoa Điện quang can thiệp
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh cơ xương khớp tại đây để bác sĩ giải đáp |
Source link