VKSND TP HCM cho rằng chấp hành viên Cục Thi hành án dân sự ra quyết định thu giữ 78 tỷ đồng của Công ty tài chính ALC II là trái bản án nên đã kháng nghị.
Cục thi hành án dân sự TP HCM cho biết vừa có báo cáo, đề nghị Tổng cục Thi hành án xem xét, hướng dẫn nghiệp vụ để có cơ sở xử lý số tiền đã thu giữ.
Theo nội dung vụ việc, bản án phúc thẩm tháng 11/2020 của TAND Cấp cao tại TP HCM về các sai phạm tại ALC II đã tuyên tử hình đối với ông Vũ Quốc Hảo (cựu tổng giám đốc ALC II) và Đặng Văn Hai (cựu chủ tịch hội đồng thành viên công ty TNHH Xây dựng và thương mại Quang Vinh, nguyên chủ tịch HĐTV) về tội Tham ô tài sản.
Về trách nhiệm dân sự, bản án buộc hai người này liên đới bồi thường cho ALC II 117,4 tỷ đồng. Trong đó, ông Hảo phải bồi thường 75 tỷ đồng và ông Hai phải bồi thường 42,4 tỷ.
Ngoài ra, bản án còn buộc ông Lê Đoàn Tám (người liên quan) hoàn trả 75 tỷ đồng và Công ty Hàm Rồng nộp lại hơn 3,5 tỷ đồng cho ALC II. Toàn bộ số tiền công ty này được bồi thường và hoàn trả sẽ giao cho Công ty Hợp danh quản lý và Thanh lý tài sản Sen Việt (Công ty Sen Việt). Đây là công ty quản lý, thanh lý tài sản trong quá trình giải quyết tuyên bố phá sản đối với Công ty ALC II để xử lý theo quy định của pháp luật.
![Ông Vũ Quốc Hảo và Đặng Văn Hai trong lần ra toà về sai phạm tại ALC II, năm 2015.](https://i1-vnexpress.vnecdn.net/2025/02/07/ALC-II-jpeg-1738918903-7101-1738919342.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=AT8_om33ZLsQDTG9muWnoQ)
Ông Vũ Quốc Hảo và Đặng Văn Hai (áo xanh) trong lần ra tòa về sai phạm tại ALC II, năm 2015.
Quá trình tổ chức thi hành án, tháng 10/2024, ông Tám và Công ty Hàm Rồng đã nộp lại tổng cộng hơn 78 tỷ đồng cho Cục thi hành án dân sự TP HCM. Công ty Sen Việt sau đó đề nghị chuyển tiền thi hành án đối với khoản tiền này vào tài khoản của công ty.
Theo quy định, trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày thu được tiền, chấp hành viên phải thực hiện việc thanh toán tiền thi hành án. Tuy nhiên, chấp hành viên không chuyển hơn 78 tỷ đồng cho Công ty Sen Việt mà ra quyết định thu tiền của người phải thi hành án đang do người thứ ba giữ đối với số tiền này.
Chấp hành viên cho rằng, năm 2018 đã ban hành văn bản yêu cầu Công ty Sen Việt thanh lý tài sản của ALC II trong thời hạn 2 năm, nếu không phải chấm dứt việc thanh lý và giao tài sản lại cho Cục Thi hành án xử lý theo quy định tại Khoản 4 Điều 121 Luật Phá sản. Đến tháng 9/2020, thời hạn thanh lý tài sản của Công ty Sen Việt đã chấm dứt nên không chuyển số tiền cho công ty.
Căn cứ VKS nói thu giữ tiền ‘trái bản án’
VKSND TP HCM cho rằng quyết định trên của chấp hành viên là “trái bản án”, nên kháng nghị.
Theo VKS, khoản 4 Điều 121 Luật Phá sản quy định, các loại tài sản nằm trong bản kê tài sản của ALC II mới thuộc phạm vi điều chỉnh của luật này.
Bản án của TAND TP HCM và TAND Cấp cao tại TP HCM đều có nội dung ALC II đã bị tuyên bố phá sản, toàn bộ số tiền ALC II được bồi hoàn sẽ giao cho Công ty Sen Việt xử lý theo quy định. Số tiền được thu hồi nói trên không phải là tài sản đưa ra thanh lý như căn cứ của chấp hành viên để áp dụng quy định xử lý trong thời hạn 2 năm.
Cả 2 bản án đều xác định Công ty Sen Việt tham gia tố tụng với tư cách đại diện theo pháp luật của ALC II, nên việc nhận số tiền bồi thường của ALC II là thực hiện việc quản lý tài sản chứ không phải thanh lý tài sản như cách hiểu và áp dụng pháp luật của chấp hành viên.
Ngoài ra, theo khoản 3 Điều 127 Luật Phá sản, Cục Thi hành án dân sự TP HCM chỉ được quyền phân chia theo quyết định tuyên bố phá sản của tòa. Tại Công văn ngày 31/10/2024 của TAND TP HCM đã khẳng định, Công ty Sen Việt vẫn là doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản đối với ALC II và được nhận toàn bộ số tiền mà ALC II được bồi thường khi thi hành bản án. Công ty Sen Việt căn cứ nội dung này đề nghị cơ quan thi hành án giao lại số tiền hơn 78 tỷ đồng.
VKS cho rằng, việc chấp hành viên xác định hết thời hạn 2 năm thanh lý tài sản của Công ty Sen Việt để ban hành quyết định thu giữ số tiền là trái bản án đã có hiệu lực pháp luật; không đúng thẩm quyền xử lý, áp dụng không đúng quy định của pháp luật và vi phạm quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của chấp hành viên…
VKSND TP HCM yêu cầu Cục trưởng Thi hành án Dân sự TP HCM ra quyết định thu hồi, hủy bỏ quyết định trên và chỉ đạo chấp hành viên chuyển tiền cho Công ty Sen Việt; đồng thời làm rõ trách nhiệm của chấp hành viên (nếu có) để trả lời cho VKSND TP HCM.
Cục Thi hành án: Quy định pháp luật chưa cụ thể
Phản hồi về vấn đề này, Cục Thi hành án Dân sự TP HCM cho biết, sau khi nhận được kháng nghị của VKSND TP HCM, nhận thấy vụ việc phức tạp, quan điểm của hai cơ quan là “trái chiều”, nên để đảm bảo lợi ích của Nhà nước; quyền, lợi ích hợp pháp của các bên đương sự; Cục đã mời lãnh đạo VKS, TAND TP HCM họp để trao đổi, thống nhất hướng giải quyết.
Do vụ việc có nội dung liên quan đến quy định pháp luật chưa cụ thể, liên ngành chưa thống nhất, nên tại cuộc họp hồi cuối tháng 1 đã thống nhất đề nghị Cục Thi hành án Dân sự có văn bản báo cáo và xin hướng dẫn nghiệp vụ của Tổng cục Thi hành án để tháo gỡ vướng mắc trước khi xử lý tài sản.
Cục Thi hành án giải thích thêm, tại thời điểm chấp hành viên ban hành quyết định thu giữ hơn 78 tỷ đồng của người phải thi hành án (Công ty ALC II) thì cơ quan này đang thụ lý thi hành quyết định tuyên bố phá sản đối với công ty ALC II (ngày 31/7/2018 của TAND TP HCM) theo Quyết định thi hành án chủ động của Cục trưởng Thi hành án TP HCM.
Theo đó, tài sản của ALC II được phân chia theo thứ tự: chi phí phá sản; khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, quyền lợi khác theo hợp đồng lao động với người lao động theo danh sách người lao động chưa giải quyết chế độ đính kèm; nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước; khoản nợ không có bảo đảm và khoản nợ có bảo đảm chưa được thanh toán cho chủ nợ theo danh sách chủ nợ đính kèm.
Theo danh sách chủ nợ thì ALC II có nghĩa vụ thanh toán cho 114 cá nhân, tổ chức với tổng số tiền là hơn 10.167 tỷ đồng và 8,5 triệu USD.
Hải Duyên
Source link