Bất an ngắn hạn đang nổi lên trong cộng đồng các doanh nghiệp châu Á do thương chiến nhưng chuyên gia nói vẫn có cơ hội trong bất ổn.
“Chiến tranh thương mại 2.0 bắt đầu”, các chiến lược gia của UBS bình luận hôm 3/2. Đó là ngày giao dịch đầu tiên của các thị trường chứng khoán châu Á sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh áp thuế lên hàng hóa Canada, Mexico và Trung Quốc.
Hôm ấy, chỉ số Nikkei (Nhật Bản) và Kospi (Hàn Quốc) lần lượt giảm 2,7% và 2,5%. Hang Seng của Hong Kong đi ngang, còn sàn Thượng Hải đóng cửa nghỉ Tết Nguyên đán. Một số nhà đầu tư và doanh nghiệp sau đó nhẹ nhõm khi ông Trump lùi thời hạn hiệu lực với thuế quan Canada và Mexico một tháng.
Nhưng trên thị trường chứng khoán tuần qua, trừ cơn hưng phấn DeepSeek giúp Hang Seng và Shanghai Composite tăng lần lượt 5,4% và 2,5% thì Nikkei 225 và S&P/ASX 200 của Australia vẫn giảm.
Tại Singapore, trong lúc các ngân hàng dự kiến báo cáo tăng trưởng lợi nhuận quý IV/2024 thì giới phân tích cảnh báo triển vọng năm nay có thể bị ảnh hưởng do thuế quan của Tổng thống Trump và các chính sách đe dọa khác.
Yeap Jun Rong, chiến lược gia thị trường tại sàn giao dịch IG cho rằng các nhà băng “đảo quốc sư tử” có thể cần tăng dự phòng nợ xấu vì rủi ro cao hơn. “Tình hình bất ổn toàn cầu gia tăng có thể làm giảm nhu cầu vốn, vì các doanh nghiệp và người tiêu dùng có lập trường thận trọng khi vay và chi tiêu”, ông nói trên Reuters.
“Khảo sát CEO Toàn cầu thường niên” khu vực châu Á – Thái Bình Dương do PwC vừa công bố cho hay “biến động kinh tế vĩ mô” là rủi ro các lãnh đạo doanh nghiệp quan tâm nhất, với 32% bày tỏ lo ngại, tăng so với mức 21% hồi 2024.
Một số chuỗi cung ứng quan trọng như chất bán dẫn đang dễ bị ảnh hưởng bởi các thời tiết khắc nghiệt và rủi ro địa chính trị. Tương tự, mối liên hệ giữa chính trị và rủi ro an ninh mạng ngày càng rõ ràng. Các mối đe dọa khó lường trước và có thể tác động lẫn nhau khiến hậu quả trở nên nghiêm trọng hơn, theo hãng kiểm toán.
Báo cáo chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 1 do hãng phân tích dữ liệu S&P Global (Mỹ) khảo sát cũng cho biết niềm tin kinh doanh của các nhà sản xuất Đông Nam Á hầu như không cải thiện so với cùng kỳ năm ngoái. Dù dự đoán sản lượng tăng trong 12 tháng tới, sự lạc quan vẫn giảm so với dữ liệu lịch sử.
Trong bài phân tích phát hành hôm 7/2, Frederic Neumann, chuyên gia Kinh tế trưởng Khối nghiên cứu kinh tế châu Á – Thái Bình Dương của HSBC bình luận: “Có lẽ điều ổn định duy nhất về thương mại toàn cầu hiện nay lại chính là sự bất định to lớn”.
Lúc này, các lãnh đạo doanh nghiệp tại châu Á – Thái Bình Dương tỏ ra thận trọng đáng kể. Khảo sát PwC cho biết 44% CEO được hỏi nói không có kế hoạch đầu tư ra nước ngoài trong năm tới, trong khi 17% còn lại chỉ dành một phần nhỏ ngân sách cho hoạt động này.
Công ty càng nhỏ càng thận trọng, phản ánh mức độ chấp nhận rủi ro thấp hơn trong bối cảnh bất ổn kinh tế và địa chính trị. “Mối quan hệ Mỹ – Trung Quốc đang diễn biến phức tạp và căng thẳng thương mại toàn cầu gia tăng có thể gây gián đoạn dòng vốn đầu tư và chuỗi cung ứng”, báo cáo PwC đánh giá.
![Một công nhân đang theo dõi dây chuyền sản xuất phụ kiện ống nhỏ giọt tại nhà máy ở tỉnh Cam Túc, Trung Quốc ngày 18/10/2024. Ảnh: Reuters](https://i1-kinhdoanh.vnecdn.net/2025/02/07/2025-01-27T024313Z-1767120490-5551-5085-1738924389.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=POfIgEeSHYu2QBoZP7Ozng)
Một công nhân đang theo dõi dây chuyền sản xuất phụ kiện ống nhỏ giọt tại nhà máy ở tỉnh Cam Túc, Trung Quốc ngày 18/10/2024. Ảnh: Reuters
Tuy nhiên, trong nguy luôn có cơ. Ông Frederic Neumann chỉ ra rằng dòng vốn đầu tư và các chuỗi cung ứng hình thành chéo trong khu vực châu Á và đến nay phần lớn tập trung vào việc phục vụ các thị trường phương Tây.
Lúc này, khi các rào cản thương mại ngày càng gia tăng ở Mỹ và châu Á, doanh nghiệp có thể mở rộng thị trường nội khối thông qua đẩy mạnh hội nhập khu vực, bằng cách tận dụng Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Một rào cản là các hộ gia đình châu Á có thói quen tiết kiệm cao nên cần được các chính phủ kích cầu để thúc đẩy tiêu dùng nội khối. “Khi tiêu dùng trong khu vực tăng lên, châu Á sẽ không chỉ giảm phụ thuộc vào thị trường nước ngoài mà còn góp phần nâng cao tiêu chuẩn sống của các hộ gia đình”, ông Neumann nói.
Chuyên gia HSBC dự báo Trung Quốc giảm xuất khẩu trực tiếp sang Mỹ và đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài, tăng thương mại với các nền kinh tế mới nổi, củng cố vai trò trung tâm chuỗi cung ứng toàn cầu qua xuất khẩu linh kiện và công nghệ cao. Với kịch bản này, Đông Nam Á sẽ hưởng lợi đáng kể.
Trong báo cáo của PwC, dù bày tỏ lo ngại với một số thách thức, 55% các CEO châu Á – Thái Bình Dương được hỏi vẫn kỳ vọng kinh tế toàn cầu cải thiện trong 12 tháng tới, tăng so với mức 40% hồi 2024. Họ đồng thời lạc quan về tăng trưởng doanh thu, với 34% tự tin về kết quả ngắn hạn và 54% về triển vọng 3 năm.
Phát biểu hôm 7/2, Phó giám đốc điều hành thứ nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế Gita Gopinath nói “vẫn còn quá sớm” để có bất kỳ phân tích chính xác nào về hậu quả của việc Mỹ áp thuế cao hơn đối với các quốc gia khác. “Tất cả quốc gia đều có lợi khi cùng nhau hợp tác, giải quyết các bất đồng và đảm bảo có một môi trường thuận lợi cho thương mại quốc tế”, bà kêu gọi.
Phiên An
Source link