Phan Thành Công bị cáo buộc đăng lên trang web Fmovies gần 50.000 phim lậu, trong đó 30 phim bản quyền Hiệp hội điện ảnh Mỹ, thu hơn 400.000 USD (hơn 10 tỷ đồng) quảng cáo.
Phan Thành Công và đồng phạm Nguyễn Tuấn Anh, cùng 35 tuổi, vừa bị VKSND Hà Nội truy tố về tội Xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan, theo khoản 2, Điều 225 Bộ luật Hình sự.
Vụ án bắt nguồn từ đơn tố giác của đơn vị được ủy quyền và thực thi quyền tại Việt Nam của Hiệp hội Điện ảnh Mỹ (MPA) về việc các website Fmovies có hành vi sao chép, phân phối bất hợp pháp 30 tác phẩm điện ảnh của MPA được bảo hộ quyền tác giả tại Việt Nam.
Qua điều tra, nhà chức trách xác định, Công và Tuấn Anh học cùng trường dạy nghề và quen biết từ năm 2008. Tháng 9/2015, hai người bàn bạc tạo lập hệ thống website Fmovies nhằm trình chiếu miễn phí các phim do nước ngoài sản xuất để thu hút lượng người dùng trên toàn thế giới xem phim, chèn quảng cáo của các công ty nước ngoài.
Khi người dùng muốn xem phim trên Fmovies sẽ phải xem trước quảng cáo của Công ty quảng cáo MGID (trụ sở nước ngoài). Công và Tuấn Anh sau đó sẽ được công ty này trả tiền phí quảng cáo.
Theo VKS, hai người phân công, Công sẽ là người lập trình, quản lý, điều hành Fmovies; trực tiếp liên hệ, cung cấp thông tin, nhận tiền quảng cáo với Công ty MGID để tiến hành quảng cáo trên website Fmovies.
Công có nhiệm vụ mua tài khoản Google drive của Công ty Google nước ngoài và lập các tài khoản nhân viên. Công sử dụng máy tính cá nhân để quản lý, điều hành hệ thống website Fmovies thông qua tài khoản quản trị “admin”.
Khi đăng nhập vào tài khoản quản trị này, Công sẽ theo dõi được số lượng phim, tình trạng phim, thời gian đăng tải phim, số lượng người đã xem trên website Fmovies.
Tuấn Anh có nhiệm vụ vào đường dẫn tìm kiếm và sao chép, tải phim về đăng tải lên Fmovies.
Về lợi nhuận, họ thỏa thuận Công được hưởng 90%, Tuấn Anh 10% tổng tiền quảng cáo nhận được hàng tháng từ MGID, cáo trạng nêu.
Tháng 9/2015-5/2022, hai người bị cáo buộc sao chép, đăng tải trái phép 30 tác phẩm điện ảnh của các hãng phim được bảo hộ bởi MPA.
Để tránh sự phát hiện, ngăn chặn của các cơ quan quản lý tại Việt Nam và nước ngoài, Công đã lập hệ thống website Fmovies bao gồm: một website chính và các website phụ (khi người dùng truy cập sẽ tự động chuyển về website chính).
Do các tác phẩm điện ảnh mà Tuấn Anh sao chép, đăng trái phép lên website Fmovies không có phụ đề nên Công vào các trang website chia sẻ phụ đề sau đó sao chép phụ đề tiếng Anh đối với các bộ phim đã đăng tải.
Sau khi sao chép được phụ đề tiếng Anh, Công thuê người dịch từ tiếng Anh sang các tiếng nước khác. Sau đó, Công sử dụng các bản dịch này để gắn vào các phim đang được trình chiếu trên hệ thống website Fmovies để thu hút người xem toàn thế giới. Theo cơ quan Công an, Fmovies thu hút hơn 6,7 tỷ lượt truy cập, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2024.
Từ tháng 8/2016 đến tháng 7 /2024, tổng số tiền quảng cáo Công ty MGID đã trả cho Công là hơn 400.000 USD.
Riêng với 30 tác phẩm điện ảnh của MPA, VKS xác định số tiền Công được hưởng lợi từ việc sao chép, trình chiếu trái phép là 405 triệu đồng. Công chia cho Tuấn Anh 40,5 triệu đồng, còn lại Công hưởng lợi 364,5 triệu đồng. Toàn bộ số tiền đã được các bị can nộp lại quá trình điều tra.
Trong số 30 phim này của MPA, cơ quan tố tụng mới xác định được 17, gây thiệt hại trị giá hơn 920 triệu đồng. 13 phim còn lại, cơ quan điều tra đã có văn bản yêu cầu MPA cung cấp thông tin giá chuyển nhượng quyền phân phối các tác phẩm điện ảnh trên tại Việt Nam để xác định giá trị thiệt hại, song MPA không cung cấp. Do đó, nhà chức trách không có căn cứ xử lý.
Tháng 7/2024, toàn bộ hệ thống Fmovies đã dừng hoạt động do Công không trả tiền cho đơn vị cung cấp máy chủ để vận hành hệ thống website Fmovies, có trụ sở tại nước ngoài, cáo trạng nêu.
Luật Sở hữu trí tuệ quy định, quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu. Quyền liên quan đến quyền tác giả (quyền liên quan) là quyền của tổ chức, cá nhân đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa.
Khoản 2, Điều 225 Bộ luật Hình sự quy định về Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan. Theo đó người nào không được phép của chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan mà cố ý thực hiện một trong các hành vi sau đây, xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan đang được bảo hộ tại Việt Nam thì bị phạt tiền từ 300 triệu đồng đến một tỷ đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Thu lợi bất chính 300.000.000 đồng trở lên;
d) Gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan 500.000.000 đồng trở lên;
đ) Hàng hóa vi phạm trị giá 500.000.000 đồng trở lên.
Hải Thư
Source link