Vụ việc gây sốc này đã làm dấy lên một cuộc tranh luận gay gắt về cách nuôi dạy con cái trên mạng xã hội Trung Quốc.
Người mẹ họ Vương ở Thượng Hải phát hiện con gái tuổi teen đã vô tình bán bộ trang sức của mình, trị giá khoảng một triệu nhân dân tệ, với giá chỉ bằng một phần nhỏ giá trị thực. Bà đã trình báo vụ việc lên đồn cảnh sát Vạn Lý thuộc Cục Công an Phổ Đà.
Cuộc điều tra cho thấy Lý, người được cho là đang trải qua “cuộc nổi loạn của tuổi mới lớn”, đã lấy những món đồ này từ nhà để kiếm chút tiền tiêu vặt.
Tuy nhiên, do không biết giá trị thực sự của chúng, Lý đã nhầm là đồ giả và bán cho một cửa hàng tái chế ngọc bích tại một khu chợ địa phương.
“Tôi không hiểu tại sao con bé lại muốn bán. Nó nói rằng cần tiền vào ngày hôm đó. Khi tôi hỏi con cần bao nhiêu, nó nói cần 60 nhân dân tệ. Tôi hỏi tại sao và con bé nói thấy một người đeo khuyên môi và con nghĩ trông hay. Con cũng muốn một cái”, người mẹ họ Vương trình bày với cảnh sát.
“Con bé nói rằng khuyên tai môi có giá khoảng 30 nhân dân tệ,và cửa hàng sẽ tặng nó một đôi khuyên tai khác với giá 30 nhân dân tệ, tổng cộng 60 nhân dân tệ”, bà Vương nói thêm.
Sau khi nhận được tin báo, cảnh sát đã phản ứng nhanh chóng. Họ đã xem lại đoạn phim giám sát và phối hợp với ban quản lý thị trường và đã thu hồi thành công số đồ trang sức cô bé đã bán.
“Chủ cửa hàng không có mặt vào ngày hôm đó nên chúng tôi đã liên lạc với họ qua điện thoại và sắp xếp để họ đến đồn cảnh sát để phối hợp thêm”, cảnh sát cho biết.
Những món đồ này hiện đã được trả lại cho bà Vương.
Câu chuyện gây làn sóng tranh luận trong cộng đồng cư dân mạng Trung Quốc. Trong khi một số người bênh vực cha mẹ đứa trẻ, những người khác bày tỏ sự thông cảm cho cô gái.
Một người nói: “Nếu gia đình sở hữu số trang sức trị giá hàng triệu nhân dân tệ, tại sao không cho đứa trẻ một ít tiền tiêu vặt?”.
Song luồng ý kiến khác lại phản bác “Cho trẻ vị thành niên tiền tiêu vặt để đi xỏ khuyên môi ư? Là một sinh viên đại học, tôi không thể ủng hộ điều đó”.
Một số người cho rằng thanh thiếu niên cần giao tiếp với cha mẹ nhiều hơn. “Ăn cắp đồ của gia đình vẫn là ăn cắp. Đây là sự thất bại trong việc nuôi dạy con cái, không phải là cái cớ để đổ lỗi cho sự nổi loạn của tuổi mới lớn”, một người khác bình luận.
Hải Thư (Theo SCMP)
Source link