Keo dán vết mổ là vật liệu y tế sinh học, bám dính tốt, không thấm nước, giúp vết mổ nhanh lành hơn so với phương pháp khâu da.
ThS.BS.CKI Đặng Khoa Học, Trưởng khoa Chấn thương Chỉnh hình Tổng quát, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết thông tin trên, giải thích thêm keo dán giúp người bệnh thuận tiện chăm sóc vết mổ, sẹo nhỏ, đảm bảo thẩm mỹ và tiết kiệm chi phí. Trước đây keo dán vết mổ chủ yếu được dùng trong sinh mổ. Ngày nay, phương pháp này đang dần được sử dụng trong các phẫu thuật chấn thương chỉnh hình như thay khớp, kết hợp xương… Đây là phương pháp điều trị vết thương hiện đại dần thay thế các biện pháp truyền thống như bấm kim hay khâu da với nhiều ưu điểm.
Thuận tiện khi chăm sóc hậu phẫu: Nếu bấm kim hoặc khâu da, người bệnh phải thay băng mỗi 2 hoặc 7 ngày để đảm bảo vệ sinh, tránh nguy cơ nhiễm trùng. Với keo dán vết mổ, người bệnh có thể giữ nguyên tình trạng vết thương cho đến khi tái khám sau phẫu thuật 2 tuần. Điều này có ích với những người bệnh phải di chuyển một quãng đường dài sau phẫu thuật chấn thương chỉnh hình, có nguy cơ thấm dịch vết mổ hoặc gần nhà không có cơ sở y tế đủ tiêu chuẩn vô trùng để thay băng. Không cần thay băng cũng giúp người bệnh giảm chi phí chăm sóc vết thương.
Bảo vệ vết thương, giảm nguy cơ nhiễm trùng: Keo dán tạo ra lớp màng bảo vệ vết thương, ngăn cản sự xâm nhập từ bên ngoài của các yếu tố có thể gây nhiễm trùng, tạo hiệu quả kháng khuẩn tốt. Keo dán còn có khả năng chịu được lực căng của mô, tránh tình trạng bóc tách keo.
Đảm bảo thẩm mỹ: Keo dán sinh học có dạng lỏng. Khi được phủ lên vết mổ, keo từ từ đặc lại, tạo thành lớp màng phủ kín vết thương và giúp hai mép vết thương dính chặt vào nhau. Nhờ đó, bác sĩ không cần dùng kim bấm hay khâu da, sẹo mổ có dạng mảnh thay vì hình chân rết. Sau khoảng 3-6 tháng, vết sẹo mờ đi rõ rệt.
Không đau: Lớp màng keo có tác dụng giữ ẩm vết thương, giảm cảm giác đau rát và khó chịu. Khi người bệnh tái khám, bác sĩ chỉ cần bóc keo dán ra khỏi vết mổ mà không cần gỡ kim hay cắt chỉ. Thao tác này cũng không gây đau.
Bác sĩ Học lưu ý không phải người bệnh nào cũng có thể sử dụng keo dán vết mổ. Để đánh giá khả năng đóng vết mổ của keo dán sinh học, bác sĩ phải cân nhắc tới nhiều yếu tố như phương pháp rạch mổ, lượng mỡ ở da, tình trạng vị trí phẫu thuật. Phương pháp này không được sử dụng trong những trường hợp như vết thương hoại tử, có tình trạng nhiễm khuẩn, dị ứng thành phần keo dán, vết thương quá căng…
Phi Hồng
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh cơ xương khớp tại đây để bác sĩ giải đáp |
Source link