Ấn ĐộMỗi tối, Avinash Mishra luôn cảm thấy giật mình khi có chiếc ôtô lạ lướt ngang qua mình bởi anh bị ám ảnh với nạn bắt cóc chú rể.
“Tôi có thể bị đe dọa tính mạng để thực hiện các nghi lễ cưới”, chàng trai 28 tuổi lớn lên ở TP Munger, bang Bihar, nói.
Quê hương anh là một trong những nơi nghèo khó nhất miền bắc Ấn Độ. Khu vực này đang đối mặt với nạn pakadua byah – hôn nhân dưới họng súng, các chàng trai bị bắt cóc để ép cưới. Nguyên nhân bắt nguồn từ truyền thống hồi môn của người Ấn, gia đình cô dâu phải đưa tiền hoặc tài sản cho gia đình chú rể để hôn nhân được chấp nhận.
Trong bối cảnh nghèo khó, gia đình các cô dâu ở bang Bihar thường không đủ khả năng tài chính, họ buộc phải cưỡng ép và bắt cóc các chàng trai. Nạn pakadua byah cũng trở nên trầm trọng hơn bởi hệ thống đẳng cấp xã hội cứng nhắc, mâu thuẫn gia đình và áp lực kinh tế.
Hôn nhân cưỡng ép bắt đầu bùng nổ vào những năm 1970. Tỷ lệ thất nghiệp cao khiến các chàng trai có công việc ổn định trở thành mục tiêu săn đón. Tình trạng này đạt đỉnh trong những năm 1980 và kéo dài đầu thập niên 2000 rồi giảm mạnh sau 2009.
Tuy nhiên, nạn bắt cóc chú rể đang lần nữa tái diễn.
![Đàn ông Ấn Độ xem lễ hội Sonepur Mela, bang Patna, Ấn Độ. Ảnh: Azerbaycan24](https://i1-giadinh.vnecdn.net/2025/02/05/Screen-Shot-2025-02-02-at-15-3-3931-6660-1738742599.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=G7sY58r-nsitTGapAXyrlg)
Đàn ông Ấn Độ xem lễ hội Sonepur Mela, bang Patna, Ấn Độ. Ảnh: Azerbaycan24
Rajesh Kumar, 32 tuổi, là kỹ sư điện lực, từng bị theo dõi suốt vài tuần. Gia đình một cô gái biết giờ anh đi làm, quán trà anh thường ghé qua và cả giờ học của em gái anh.
Họ có trang bị vũ trang và đưa thông điệp rõ ràng: hợp tác hoặc chịu hậu quả. Anh hoảng sợ, phải chuyển đến sống thành phố khác.
Cục hồ sơ tội phạm bang Bihar đã ghi nhận 7.194 vụ kết hôn cưỡng bức trong năm 2020. Trước đó, tình trạng này trở nên nhức nhối với 10.925 vụ trong năm 2019 và 10.310 vụ năm 2018.
Tuy nhiên, những con số này chỉ là bề nổi.
“Ba vụ xảy ra, chỉ có một vụ được báo cáo”, Subodh Kumar, sĩ quan cảnh sát cấp cao ở Cục hồ sơ tội phạm bang Bihar, nói. Hầu hết các nạn nhân đều giữ im lặng, lo sợ các băng nhóm tội phạm trả thù hoặc bị kỳ thị xã hội.
Đồng thời, khủng hoảng thất nghiệp ở Bihar đã trở thành yếu tố thúc đẩy nạn cưỡng hôn. Lao động độ tuổi 15-29 thất nghiệp 13,9% cao hơn mức trung bình toàn quốc là 10%.
“Khi một chàng trai có công việc ổn định, anh ta bắt đầu trở thành mục tiêu bắt cóc”, tiến sĩ Alok Singh ở Đại học Patna, bang Bihar, nói.
Santosh Singh, người đã thoát khỏi một vụ bắt cóc gần đây, mô tả chúng theo dõi anh từ lúc thi công chức. Họ tra cứu trên mạng xã hội để tìm ai mới có công việc, phân loại rõ ràng.
Kỹ sư giá 9.300-11.660 USD, bác sĩ 14.000 – 17.500 USD, cán bộ nhà nước 5.800 – 8.200 USD. Thậm chí, chúng cũng cung cấp phương thức trả góp cho các gia đình.
Chúng thuê luật sư làm giấy tờ, nhiếp ảnh gia ghi lại hình ảnh đám cưới nhằm hợp pháp hóa hôn nhân. Gói dịch vụ cũng bao gồm việc theo dõi chú rể sau khi kết hôn, đảm bảo anh ta không bỏ chạy và hòa giải tranh chấp gia đình.
![Vợ chồng trong lễ cưới truyền thống Hindu. Ảnh: Azerbaycan24](https://i1-giadinh.vnecdn.net/2025/02/05/Screen-Shot-2025-02-02-at-15-3-2691-6782-1738742599.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=y98DGpqeQK9Bwfl_uNdQ5A)
Vợ chồng trong lễ cưới truyền thống Hindu. Ảnh: Azerbaycan24
Cựu sĩ quan cảnh sát Ấn Độ Amitabh Das ở bang Bihar nói mạng lưới này rất phức tạp và phát triển thành ngành công nghiệp có tổ chức. Ông đã chứng kiến hồ sơ của các băng nhóm này với đầy đủ gia phả, tình hình tài chính và sự nghiệp của chú rể.
Avinash Mishra vẫn phân vân trước quyết định nhận việc công chức ở bang Bihar, dù đã dành cả năm thi cử.
“Tôi dành mỗi ngày để chuẩn bị cho mối đe dọa sẽ xảy ra”, anh nói.
Ngọc Ngân (Theo Azerbaycan24)
Source link