Mẹ kiện đòi 140 triệu đồng con trai nạp vào game online

Trung QuốcTheo tòa, công ty game có lỗi khi thiếu biện pháp ngăn chặn người chơi không đúng độ tuổi, song mẹ cậu bé 11 tuổi cũng phải chịu trách nhiệm vì không quản lý con tốt.

Với sự phổ biến của Internet, ngày càng nhiều trò chơi điện tử có hình thức nạp tiền, trả thưởng để thu hút người chơi, đặc biệt vị thanh niên. Kéo theo đó, ngày càng nhiều vụ việc của phụ huynh kiện, yêu cầu đơn vị quản lý phát hành gema online trả lại số tiền con họ đã nạp vào các trò chơi trực tuyến này.

Cuối tháng 1 vừa qua China Court đưa tin, Tòa án nhân dân Bạch Thành, thành phố Cao Mật, tỉnh Sơn Đông vừa xét xử một vụ án như vậy.

Theo hồ sơ vụ kiện, từ 17/2-17/3/ 2024, Tiểu Lưu, 11 tuổi nhiều lần dùng máy tính bảng của mình để chơi trò chơi “XX Escape”. Cậu vào cửa hàng game thông qua liên kết cửa hàng do bị đơn họ Khâu cung cấp trong phòng livestream (phát sóng trực tiếp) để nạp tiền và mua điểm, thiết bị liên quan trò chơi.





Nhiều trò chơi điện tử cho phép  nạp tiền để mua thiết bị, tăng sức mạnh cho nhân vật, đặc biệt thu hút người chơi là trẻ vị thành niên. Ảnh: Hải Thư

Nhiều trò chơi điện tử cho phép nạp tiền để mua đồ, tăng sức mạnh cho nhân vật, đặc biệt thu hút người chơi là trẻ vị thành niên. Ảnh: Hải Thư

Tiểu Lưu sau đó sử dụng WeChat của mẹ để thanh toán và quét mã 22 lần để nạp tiền vào trò chơi, tổng cộng 41.130 nhân dân tệ (khoảng 145 triệu đồng).

Người mẹ biết chuyện đã kiện Khâu ra tại Tòa án nhân dân Bạch Thành, thành phố Cao Mật, tỉnh Sơn Đông, yêu cầu trả lại số tiền con trai đã nạp và tiền lãi.

Tại phiên tòa, HĐXX phân tích, trong vụ kiện này, cần xác định tính hợp pháp của hành vi dân sự do người hạn chế năng lực hành vi dân sự thực hiện. Tiểu Lưu mới 11 tuổi nên được coi là người có năng lực hành vi dân sự hạn chế.

Các hành vi dân sự do người có năng lực hành vi dân sự hạn chế thực hiện, nếu phù hợp độ tuổi, trí tuệ và trạng thái tinh thần của họ thì được coi là hợp lệ; hoặc cần có sự đồng ý trước hoặc phê chuẩn sau đó bởi người đại diện hợp pháp của họ.

Trong vụ việc của Tiểu Lưu, hành vi pháp lý dân sự thực hiện (thanh toán 140 triệu đồng cho game online bằng tài khoản của mẹ) là không phù hợp với độ tuổi, trí tuệ và tình trạng tinh thần của cậu. Ngoài ra, theo tòa, cậu bé không có được sự đồng ý và sự phê chuẩn của người giám hộ (mẹ). Do đó, hành vi pháp lý dân sự phải vô hiệu.

Người nhận tiền, bị đơn Khâu, phải trả lại số tiền. Song tỷ lệ hoàn trả số tiền nạp phải được xác định dựa trên mức độ lỗi của cả hai bên.

Với tư cách là bị đơn, Khâu đã bán điểm trò chơi thông qua phòng phát sóng trực tiếp.

Mặc dù anh ta đã đánh dấu cửa hàng bằng cảnh báo: “Không cho phép trẻ vị thành niên đặt hàng. Đơn hàng do trẻ vị thành niên đặt được coi là của người lớn và sẽ không được hoàn lại tiền”. Nhưng cảnh báo này có thể không hoàn toàn ngăn chặn trẻ vị thành niên đặt hàng.

Khi có đơn đặt hàng, công ty của Khâu đã không xác định và ngăn chặn trẻ vị thành niên sử dụng tài khoản WeChat của người giám hộ để thanh toán, không thực hiện các biện pháp hiệu quả để hạn chế trẻ vị thành niên nạp tiền liên tục, đó là một lỗi.

Ở phía ngược lại, mẹ của Tiểu Lưu không giữ đúng mật khẩu thanh toán điện thoại di động và WeChat, khiến Tiểu Lưu nạp tiền và tiêu tiền trong trò chơi thành công 22 lần. Người mẹ thiếu sự giáo dục và kỷ luật đối với con, đồng thời cũng có lỗi ở một mức độ nào đó. Do đó, theo tòa, mỗi bên có một nửa lỗi trong vụ việc này.

Xét đến tình tiết thực tế của vụ án và mức độ lỗi của cả hai bên, tòa án phán quyết bị cáo Khâu phải trả lại 50% số tiền.

Đôi bên đều chấp nhận phán quyết.

Bị đơn Khâu đã chủ động chấp hành việc trả lại tiền ngay sau khi bản án có hiệu lực.

Bản án còn nêu các nhà cung cấp dịch vụ trò chơi trực tuyến phải thiết lập các cơ chế liên quan để quản lý việc sử dụng của trẻ vị thành niên, thực hiện nghiêm ngặt hệ thống đăng ký tên thật cho tài khoản trò chơi trực tuyến, kiểm soát thời gian và thời lượng sử dụng trò chơi trực tuyến của trẻ vị thành niên và chuẩn hóa việc cung cấp các dịch vụ trả phí cho trẻ vị thành niên.

Ngoài ra, cha mẹ luôn là bên chịu trách nhiệm chính trong việc hướng dẫn trẻ em sử dụng Internet đúng cách. Họ phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ giám hộ của mình và lưu giữ đúng các thông tin như điện thoại di động, tài khoản thanh toán và mật khẩu.

Theo Điều 19, Bộ luật dân sự Trung Quốc, người chưa thành niên từ đủ 8 tuổi trở lên là người hạn chế năng lực hành vi dân sự. Việc thực hiện hành vi dân sự phải thông qua người đại diện theo pháp luật hoặc phải có sự đồng ý, xác nhận của người đại diện theo pháp luật.

Theo Điều 71 Luật về Bảo vệ Trẻ vị thành niên, cha mẹ hoặc người giám hộ khác của người chưa thành niên phải tăng cường hướng dẫn, giám sát việc sử dụng Internet của người chưa thành niên, sắp xếp thời gian sử dụng Internet hợp lý cho người chưa thành niên, phòng ngừa có hiệu quả tình trạng người chưa thành niên nghiện Internet.

Hải Thư (Theo ChinaCourt)




Source link

Từ khoá:

Bài viết liên quan Tin Khánh Hòa