Dấu hiệu ung thư khoang miệng

Đau ở tai hoặc khoang mũi họng, niêm mạc miệng nhợt nhạt, loét miệng kéo dài có thể là dấu hiệu cảnh báo ung thư khoang miệng.

Khoang miệng là nơi bắt đầu của ống tiêu hóa, kết nối giữa bên trong và bên ngoài cơ thể. Cơ quan này bao gồm môi, má, răng, nướu, khẩu cái mềm và cứng, lưỡi, amidan, tuyến nước bọt. Ung thư khoang miệng là tình trạng tế bào ung thư phát triển bất thường trong các mô ở vùng miệng.

BS.CKI Nguyễn Chí Thanh, Đơn vị Ung Bướu, Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7, cho biết ung thư khoang miệng xảy ra ở bất kỳ vị trí nào trong khoang miệng, trong đó phổ biến ở lưỡi và môi. Dưới đây là một số dấu hiệu nhận biết ung thư khoang miệng.

Đau ở tai và khoang mũi họng: Ở giai đoạn đầu, người bệnh thường không thấy đau hoặc chỉ đau tại một vị trí nào đó khi chạm vào. Khi u xâm lấn đến dây thần kinh xung quanh, người bệnh thường cảm thấy đau ở trong tai, khoang mũi họng.

Niêm mạc miệng nhợt nhạt hoặc đen: Người bị ung thư vùng khoang miệng thường có niêm mạc miệng nhạt màu (bình thường màu hồng nhạt) hoặc đen. Một số trường hợp niêm mạc miệng dày, cứng và thô, kèm theo ban đỏ hoặc bợt trắng.





Bác sĩ khoa Ung Bướu tư vấn cho người bệnh. Ảnh minh họa: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Bác sĩ khoa Ung Bướu tư vấn cho người bệnh. Ảnh minh họa: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Hạch cổ: Ung thư khoang miệng có thể di căn hạch đến cổ, làm hạch cổ sưng to đột ngột. Đây cũng là dấu hiệu gợi ý của bệnh ung thư vùng khoang miệng.

Vận động miệng khó khăn: Khi khối u xâm lấn sang hàm và các cơ làm nhiệm vụ đóng vùng miệng, người bệnh sẽ cảm thấy cứng và đau miệng khi nhai, nói.

Loét miệng kéo dài: Vết loét miệng kéo dài hơn hai tuần không khỏi cũng là dấu hiệu gợi ý ung thư khoang miệng. Các vết loét miệng lành tính thường gây đau và có xu hướng lành nhanh trong vòng vài tuần sau khi điều trị nội khoa. Trong khi đó, vết loét ung thư thường không đau, niêm mạc có thể dày. Vết loét có xu hướng sâu hơn, dai dẳng không bớt dù đã điều trị nội khoa.

Vận động lưỡi kém, giảm hoặc mất cảm giác: Người bệnh thường khó khăn khi ăn, nói chuyện và nuốt do lưỡi bị tê, mất cảm giác. Một số người bệnh có thể bị chảy máu mũi không rõ nguyên nhân hoặc vùng mặt bị tê.

Mọi người nên đi khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm các tổn thương nghi ngờ ở vùng khoang miệng. Người có các dấu hiệu gợi ý ung thư khoang miệng nên đến bệnh viện có chuyên khoa Ung Bướu để được các bác sĩ khám, kiểm tra và phát hiện bệnh (nếu có) ở giai đoạn sớm.

Nguyễn Trăm

Độc giả đặt câu hỏi về bệnh ung thư tại đây để bác sĩ giải đáp



Source link

Từ khoá:

Bài viết liên quan Sức khỏe