Nên tiêm vaccine uốn ván khi nào?

Vaccine có thể tiêm chủ động để phòng bệnh hoặc tiêm dự phòng khi có vết thương, cần nhắc lại sau 10 năm hoặc khi bị thương.

Bác sĩ Bùi Công Sự, Quản lý Y khoa vùng 3 – miền Bắc, Hệ thống Tiêm chủng VNVC, cho biết người dân có thể gặp vết thương trong khi hoạt động hàng ngày, như chế biến thực phẩm, vận động, sinh hoạt… Các vết thương này tạo điều kiện cho vi khuẩn uốn ván xâm nhập cơ thể và gây bệnh.

Hiện bệnh có thể phòng ngừa nhờ vaccine, song người dân vẫn còn nhiều câu hỏi về việc tiêm chủng vaccine này như sau:

Vaccine nên tiêm khi nào?

Vaccine có thể tiêm chủ động hoặc tiêm khi có vết thương để chống phơi nhiễm. Việc tiêm chủng chủ động được khuyến khích hơn. Lý do, vi khuẩn uốn ván sinh sống trong môi trường đất cát, xâm nhập vào cơ thể qua vết thương hở dù rất nhỏ, nhiều trường hợp không tìm thấy ngõ vào. Khi xâm nhập, nha bào uốn ván phóng thích độc tố đến hệ thần kinh, nguy cơ tử vong 10-90% hoặc để lại nhiều di chứng như rối loạn thần kinh thực vật, nhiễm trùng cơ hội, viêm phổi, teo cơ, cứng khớp…

Lịch tiêm chủng ra sao?

Hiện Việt Nam có nhiều loại vaccine có thành phần ngừa uốn ván như 5 trong 1, 6 trong 1, 4 trong 1, 3 trong 1, 2 trong 1, hoặc mũi uốn ván đơn.

Theo bác sĩ Sự, vaccine được tiêm chủng theo độ tuổi như sau:

Trẻ em: Vaccine có thành phần uốn ván được cung cấp trong các mũi tiêm đầu đời, hoàn thành trước hai tuổi, sau đó cần nhắc lại vào các mốc 4-6 tuổi, 9-15 tuổi và mỗi 10 năm sau đó.

Người lớn: Những người không nhớ rõ lịch sử tiêm chủng cần tiêm ba liều vaccine trong vòng 7 tháng, sau đó tiêm nhắc sau mỗi 10 năm. Các trường hợp khác sẽ được chỉ định tiêm chủng dựa vào lịch sử chủng ngừa trước đó.

Thai phụ mang thai lần đầu được khuyến cáo tiêm 2 mũi có thành phần uốn ván, tiêm 1 mũi vào các thai kỳ tiếp theo. Việc này giúp bảo vệ mẹ và truyền kháng thể phòng uốn ván cho trẻ sơ sinh khi chưa đến tuổi tiêm chủng.

Khi đã tiêm dự phòng uốn ván đầy đủ và còn trong thời gian bảo vệ, nếu có các vết thương lớn, mọi người chỉ cần tiêm thêm một liều vaccine, không cần dùng Globulin miễn dịch uốn ván (TIG) hoặc huyết thanh kháng uốn ván (SAT).





Một người lớn chủ động tiêm vaccine có thành phần uốn ván tại VNVC Nguyễn Duy Trinh 2, TP Thủ Đức, TP HCM. Ảnh: Diệu Thuần

Một người lớn chủ động tiêm vaccine có thành phần uốn ván tại VNVC Nguyễn Duy Trinh 2, TP Thủ Đức, TP HCM. Ảnh: Diệu Thuần

Đã tiêm uốn ván, khi có vết thương có cần tiêm tiếp?

Trường hợp đã tiêm ngừa chủ động, người dân sẽ tiêm nhắc lại một liều vaccine khi có vết thương lớn, không cần dùng Globulin miễn dịch (TIG) hoặc huyết thanh uốn ván (SAT). Trường hợp chưa tiêm hoặc không rõ lịch sử tiêm, ngoài vaccine uốn ván, người dân còn cần sử dụng thêm Globulin miễn dịch (TIG) hoặc huyết thanh uốn ván (SAT). Thời gian tiêm phòng hiệu quả nhất là càng sớm càng tốt sau khi xảy ra vết thương, tốt nhất là trong vòng 24 giờ.

Vaccine uốn ván có cần tiêm nhắc?

Vaccine uốn ván có hiệu quả phòng bệnh lên đến 95% khi tiêm đủ liều, đúng lịch. Tuy nhiên, mũi tiêm không cung cấp kháng thể miễn dịch trọn đời và thường có tác dụng trong 10 năm. Đây là lý do trong thông tin kê toa của nhà sản xuất có khuyến cáo nên tiêm nhắc lại mỗi 10 năm một lần.

Bác sĩ Sự khuyến cáo gia đình rà soát lịch sử tiêm uốn ván hoặc đến cơ sở tiêm chủng để được bác sĩ tư vấn tiêm ngừa uốn ván. Trường hợp có vết thương nguy cơ nhiễm uốn ván, người dân nên đi tiêm nhắc lại sớm hơn.

Bị chó cắn, mèo cào có cần tiêm ngừa uốn ván?

Chó thường có thói quen đào bới đất cát và tiếp xúc trực tiếp với vi khuẩn uốn ván tồn tại trong môi trường bên ngoài như đất, bụi bẩn, cống rãnh… Vì vậy, chúng rất dễ mang mầm bệnh và truyền sang người khi bị cào, cắn. Mặt khác, vết thương hở nếu không được xử lý đúng sẽ dễ có nguy cơ bị nhiễm trùng, tiếp xúc với vi khuẩn uốn ván.

Thực tế, đã có nhiều trường hợp khi bị chó cắn được bác sĩ tư vấn tiêm cả vaccine dại và uốn ván, như trường hợp bé gái 13 tuổi, ở Lạng Sơn bị chó cắn vào mắt, điều trị ở Bệnh viện Đa khoa Lạng Sơn năm 2017. Vì vậy, khi bị chó cắn, mèo cào, người dân cần đến cơ sở y tế sớm để bác sĩ căn cứ vào tình trạng vết thương để có mũi tiêm phù hợp.

Vaccine có gây tác dụng phụ lâu dài không?

Uốn ván là vaccine được điều chế sau khi làm mất đi khả năng gây độc của vi khuẩn Clostridium tetani và đảm bảo kích thích miễn dịch hiệu quả. Vì vậy, vaccine đảm bảo an toàn cho sức khỏe người tiêm, giúp ngăn ngừa bệnh uốn ván hiệu quả, trong đó có nhóm nguy cơ cao như phụ nữ mang thai, trẻ sơ sinh, người làm vườn, người làm ở công trường, nhân viên y tế, người đang làm công việc dễ xảy ra vết thương…

Linh San




Source link

Từ khoá:

Bài viết liên quan Sức khỏe