Stargate – dự án đầu tư cơ sở hạ tầng AI lớn nhất trong lịch sử nhà trắng – được công bố bởi tổng thống Trump là sự hợp tác giữa ba đại gia công nghệ OpenAI, Oracle và SoftBank. Trong khi SoftBank và OpenAI có những góc nhìn khác nhau về AI, Larry Ellison giám đốc điều hành của Oracle, đã nhấn mạnh tiềm năng của trí tuệ nhân tạo (AI) trong việc điều trị ung thư, đặc biệt là trong việc phát triển vắc-xin trị ung thư cá nhân hóa. Phát biểu của ông nhấn mạnh một cách tiếp cận đột phá kết hợp giữa phát hiện sớm ung thư và việc tạo ra vắc-xin tùy chỉnh, tất cả đều có thể hoàn thành trong khoảng thời gian đáng kinh ngạc là 48 giờ.
[prevew]https://tinhte.vn/thread/tt-trump-cong-bo-du-an-stargate-voi-von-dau-tu-500-ty-do-de-xay-dung-co-so-ha-tang-ai-tai-my.3951760/[/preview]Theo Ellison, ông cho rằng AI có thể hỗ trợ phát hiện sớm ung thư thông qua một xét nghiệm máu đơn giản. Xét nghiệm này sẽ giúp xác định các phân tử ung thư lưu thông trong máu, sau đó phân tích và sử dụng các thuật toán AI để xác định xem bệnh nhân có bị ung thư hay không, đồng thời xác định loại bệnh cụ thể. Dựa vào thông tin ban đầu này, các bác sĩ sẽ thực hiện việc giải mã gen của khối u từ các phân tử thu được. Quá trình này giúp giải mã thông tin di truyền từ các tế bào khối u để xác định các đột biến và đặc điểm cụ thể duy nhất cho ung thư của từng cá nhân. Những hiểu biết này rất quan trọng để phát triển một kế hoạch điều trị cá nhân hóa.
Từ dữ liệu di truyền thu thập từ quá trình giải mã, trí tuệ nhân tạo có thể thiết kế một vaccine với công nghệ mRNA, có khả năng nhắm vào các đột biến cụ thể trong khối u của bệnh nhân. Cách tiếp cận cá nhân hoá này đồng nghĩa với việc mỗi vaccine sẽ phù hợp với từng cá nhân để kích thức phản ứng miễn dịch cụ thể chống lại các tế bào ung thư trong cơ thể họ. Điều đặc biệt là cả quá trình từ xét nghiệm đến tạo ra vaccine được hoàn thành chỉ trong vòng khoảng 48 tiếng với sự trợ giúp của các hệ thống robot kết hợp với trí tuệ nhân tạo. Cách tiếp cận này cho phép các bác sĩ tiếp cận nhanh chóng và can thiệp kịp thời vào các loại ung thư ác tính để đảm bảo sức khoẻ cho người bệnh.
Với tầm nhìn này, trí tuệ nhân tạo sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong suốt quá trình phát hiện bệnh lẫn chế tạo vaccine. Đầu tiên là AI có thể thể phân tích một lượng lớn dữ liệu sinh học một cách nhanh chóng và chính xác, xác định các neoantigen – vốn là các protein do các gen bị đột biến sản xuất ra, qua đó tạo ra các vaccine phù hợp để tấn côgn các neoantigen này. Ngoài ra, các thuật toán tiên tiến tối ưu hóa thiết kế của các chuỗi mRNA để đảm bảo chúng kích thích hiệu quả phản ứng miễn dịch. Trên thực tế, việc này là hoàn toàn khả thi khi trí tuệ nhân tạo đang được nghiên cứu vào các giải pháp lâm sàn để cá nhân hoá quá trình chữa bệnh.
Mặc dù tầm nhìn này vẽ ra một viễn cảnh mà loài người với trí tuệ nhân tạo có thể tạo ra những loại vaccine chống lại ung thư, vẫn còn rất nhiều thách thức cần được xử lý. Đầu tiên là việc ung thư thường có những biến đổi bất ngờ trong quá trình phát triển bệnh khiến việc tạo ra vaccine có hiệu quả phức tạp hơn thông thường. Ngoài ra, việc sử dụng AI trong chăm sóc sức khỏe đặt ra những câu hỏi đạo đức liên quan đến quyền riêng tư dữ liệu và thiên kiến về thuật toán cần phải được giải quyết để đảm bảo việc triển khai an toàn. Hơn nữa, mặc dù AI có thể đơn giản hóa thiết kế vắc-xin, nhưng cần phải tiến hành thử nghiệm lâm sàng nghiêm ngặt để xác thực tính an toàn và hiệu quả của những phương pháp điều trị cá nhân hóa này trước khi áp dụng rộng rãi.
Tầm nhìn của Ellison về điều trị ung thư dựa trên AI đại diện cho một bước nhảy vọt quan trọng trong lĩnh vực ung thư học. Bằng cách tận dụng AI cho phát hiện sớm và phát triển vắc-xin nhanh chóng, có tiềm năng không chỉ cải thiện kết quả cho bệnh nhân mà còn cách mạng hóa cách tiếp cận điều trị ung thư nói chung. Sự hợp tác liên tục giữa các gã khổng lồ công nghệ như Oracle, OpenAI và SoftBank dưới các sáng kiến như Stargate nhằm tăng cường khả năng này bằng cách đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng và nghiên cứu AI.
Nguồn: Fortune