Uống nhiều rượu trong thời gian dài ảnh hưởng đến tim, gây tổn thương gan, làm suy giảm hệ thống miễn dịch, tăng nguy cơ mắc bệnh.
Não co lại
Uống rượu trong thời gian dài có thể khiến các tế bào não bắt đầu thay đổi, não có thể bị co lại. Điều này ảnh hưởng đến khả năng suy nghĩ, học tập, ghi nhớ, duy trì nhiệt độ cơ thể ổn định. Uống nhiều rượu có nghĩa là 8 ly trở lên một tuần đối với phụ nữ, 15 ly trở lên đối với nam giới.
Ảnh hưởng đến giấc ngủ
Người uống rượu thường buồn ngủ nhưng ngủ không ngon vì cơ thể xử lý rượu trong suốt đêm. Khi tác dụng của rượu mất đi, người uống xuất hiện cảm giác trằn trọc, dễ gặp ác mộng, ngủ mơ, thường xuyên đi vệ sinh.
Viêm loét dạ dày
Rượu kích thích niêm mạc dạ dày gây cảm giác buồn nôn, nôn. Uống rượu trong nhiều năm có thể khiến dạ dày viêm loét.
Tiêu chảy và ợ nóng
Người uống nhiều rượu bia còn thường bị tiêu chảy. Đồ uống này cũng làm tăng khả năng ợ nóng vì làm giãn cơ ngăn axit ra khỏi thực quản – ống nối miệng và dạ dày.
Đi tiểu nhiều
Não giúp cơ thể duy trì đủ nước bằng cách sản xuất ra một loại hormone để thận không sản xuất quá nhiều nước tiểu. Nhưng khi uống rượu, cơ thể có thể báo não ngừng sản xuất hormone này, dẫn đến đi tiểu thường xuyên, gây mất nước. Tác động độc hại của rượu trong nhiều năm thể làm suy yếu thận.
Tổn thương gan
Theo thời gian, đồ uống có cồn làm cho gan bị tích tụ mỡ và mô xơ dày. Điều này hạn chế lưu lượng máu, các tế bào gan không nhận được những gì chúng cần để tồn tại, gây bệnh xơ gan.
Tổn thương tuyến tụy
Bình thường tuyến tụy tạo ra insulin và các chất khác để ruột phân hủy thức ăn. Tuy nhiên, uống quá nhiều rượu làm tắc nghẽn quá trình xử lý. Các chất này ở lại bên trong tuyến tụy cùng với các độc tố từ rượu gây viêm trong cơ quan này theo thời gian, dẫn đến tổn thương nghiêm trọng. Sau nhiều năm, cơ thể không thể tạo ra insulin cần thiết, có thể dẫn đến bệnh tiểu đường, làm tăng nguy cơ ung thư tuyến tụy.
Ảnh hưởng đến tim
Say rượu thường xuyên có thể gây ra loạn nhịp tim, khiến tim mệt mỏi. Theo thời gian, cơ tim giãn ra, tim không thể bơm máu tốt, ảnh hưởng đến các bộ phận trong cơ thể.
Thay đổi nhiệt độ cơ thể
Rượu làm giãn mạch máu, khiến nhiều máu chảy đến da gây ra tình trạng đỏ mặt. Nhiệt từ lượng máu dư thừa đó thoát ra khỏi cơ thể khiến nhiệt độ giảm xuống. Mặt khác, uống nhiều rượu trong thời gian dài làm tăng huyết áp, cơ thể giải phóng hormone gây căng thẳng làm hẹp mạch máu, do đó tim phải bơm máu mạnh hơn.
Hệ thống miễn dịch suy yếu
Rượu kìm hãm khả năng phòng vệ của cơ thể, suy giảm hệ thống miễn dịch. Cơ thể không thể tạo ra số lượng tế bào bạch cầu cần thiết để chống lại vi khuẩn. Người uống rượu trong thời gian dài có nhiều khả năng mắc các bệnh như viêm phổi, lao phổi hơn.
Tác động đến hormone
Các hóa chất trong rượu làm giảm ham muốn tình dục. Lạm dụng đồ uống có cồn cũng ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, suy giảm nồng độ hormone testosterone và ảnh hưởng đến quá trình sản xuất tinh trùng.
Xương mỏng, ít cơ
Lạm dụng rượu có thể làm mất cân bằng nồng độ canxi, thay đổi về hormone, ngăn cơ thể hình thành xương mới. Xương trở nên mỏng và dễ gãy dẫn đến loãng xương. Rượu cũng hạn chế lưu lượng máu đến cơ và cản trở các protein xây dựng cơ, làm mất cơ.
Lê Nguyễn (Theo WebMD)
Độc giả đặt câu hỏi về dinh dưỡng tại đây để bác sĩ giải đáp |
Source link