Còn khi đã hạ xong boss, lúc lượm đồ, Musk phát hiện ra thùng đồ đã đầy, bắt đầu bỏ bớt để lượm đồ mới thì cũng thao tác không hiệu quả. PoE hay PoE 2 sẽ tự động sắp xếp đồ lượm được vào thùng đồ nếu thùng đồ đang đóng, còn khi đang mở thùng đồ, người chơi phải lượm rồi xếp bằng tay, rất mất thời gian và chán. Musk sau khi bỏ bớt đồ thì lại lượm mới và di chuột để cất. Ở 1 map khác thì Musk liên tục click vào waystone rớt trên đất để lượm, dù rằng thùng đồ đã đầy và không thêm được nữa. Như mình thì khi đã lượm mà đồ rớt trở ra (tức là thùng đồ đầy), mình sẽ biết liền và về nhà để cất bớt rồi quay lại lượm chứ không click liên tục như vậy.
Ngoài ra, một số thiết lập game cũng được để mặc định, gây khó khăn 1 phần cho người chơi. Chẳng hạn như ông không bật hiển thị máu/mana bằng số (mặc định game tắt phần này). Nếu đã chơi quen, việc không thấy được chỉ số máu/mana hiện tại khá ức chế do thao tác nhanh và cần quản lý được các chỉ số này để đưa ra quyết định phù hợp trong từng tình huống.
Khi Musk trình diễn đánh boss end game, ông gần như chỉ vô cổng (portal), chạy lại boss và… chết. Thực tế thì độ khó của boss end game là khá cao, game thủ nếu không đủ sát thương để bỏ qua (bypass) các pha (phase) có thể bỏ qua được của boss thì cần phải nắm rõ cách đánh, kỹ năng boss và những cơ chế khác, do hầu hết kỹ năng của boss rất mạnh, đôi khì là đảm bảo giết được người chơi. Tuy nhiên điểm này không nói lên được nhiều vì có những game thủ chỉ xây dựng nhân vật để cày map, có game thủ thì chuyên đấm boss… Cày map thì sát thương vừa đủ nhưng tốc độ cao, cơ động và khả năng bao phủ lớn, ngược lại đấm boss cần sát thương đơn lẻ lớn, bù lại dọn map tốn nhiều thời gian.
Mô tả map quá chung chung, không phân biệt được cấp đồ
Hệ thống map hay waystone của PoE và PoE 2 ngoài các modifier tăng giảm độ khó thì còn có các sự kiện khác (extra content), chẳng hạn như PoE có Abyss, Breach, Delirium, Ultimatum… Khi Musk mô tả waystone ông sắp mở thì gọi chúng là “things”, cụ thể hơn là “four things there so this one has a real risk of dying” nhằm nói về độ khó của waystone.
Khi Musk khoe đồ trên nhân vật, ông dường như không phân biệt được cấp độ của đồ. Ông nói rằng nhân vật đang ở cấp 97 nhưng đồ thì cấp thấp, rồi đưa ra ví dụ là vũ khí cấp 62. Thực tế hệ thống của PoE có 2 loại cấp độ đối với vật phẩm, gồm cấp độ yêu cầu (level requirement) và cấp độ vật phẩm (item level). Item level sẽ phụ thuộc vào cấp độ của quái rớt ra món đồ đó, nếu là quái hiếm (rare) thì sẽ +2. Ví dụ quái thường cấp 80 rớt đồ sẽ có item level bằng level của quái, còn quái rare cấp 80 thì rớt đồ có item level là 82.
Về level requirement của 1 món đồ sẽ là tổng hợp của nhiều thứ, từ base vật phẩm (tức loại vật phẩm, chẳng hạn như cung thì có nhiều loại cung, mỗi loại có mức độ yêu cầu khác nhau), cho tới tổng hợp các affix trên đồ. Từng affix trên đồ có cấp độ yêu cầu riêng, nếu đẳng cấp (tier) của affix đó càng cao thì đòi hỏi càng cao. Con số 62 mà Musk nói là level requirement, còn nếu đánh giá riêng về vũ khí đó thì nó gần như hoàn hảo, cực mạnh. Để mà tạo ra được 1 món như vậy trong chế độ Hardcore là rất tốn kém.
Musk cũng cho biết bao tay mà nhân vật đang xài chỉ có level 52. Ý Musk theo mình hiểu là ông đang muốn cho thấy nhân vật thì level cao nhưng đồ đang mặc level thấp, chứng tỏ kỹ năng của ông cao chẳng hạn. Tuy nhiên với bao tay unique “Hand of Wisdom and Action” thì nó không hề tầm thường như cách ông nói là level 52. Đây là vật phẩm độc nhất chỉ rớt từ boss “Xesht, We Who Are One” ở Twisted Domain, cấp 80 – 82. Ngoài tỷ lệ rớt ước đoán chỉ có cao nhất 15% (Difficulty 0) thì người chơi còn phải hạ được boss, mà level 52 thì không ai có khả năng đó hết.
Real money trading?
Danh sách hàng bán trên chợ từ tài khoản của Elon Musk khá ít và toàn là vật phẩm không giá trị, tuy nhiên lại được định giá cao. Đây là 1 biểu hiện thường gặp ở những game thủ RMT hay real money trading – hành động bị nhà phát hành Grinding Gear Games cấm tuyệt đối. RMT tức là người chơi sẽ treo giá 1 vật phẩm với số tiền game sở hữu rất vô lý, tuy nhiên giao dịch sẽ được thực hiện và kèm theo là tiền thật trao đổi bên ngoài.
Nói thật thì mình cũng toàn thực hiện RMT để chơi PoE cho tới hiện tại, do mình không có thời gian đầu tư để cày cuốc trong game. Mình sẽ đi mua currency từ trader hoặc người chơi khác bằng tiền thật, rồi dùng currency đó mua vật phẩm cần thiết cho nhân vật. Có những người ủng hộ, có những người phản đối RMT, nhưng đối với mình, đây là cách để vẫn chơi được game mà không tốn nhiều thời gian cho nó, dù sao game cũng chỉ để giải trí. Đứng ở góc độ này, nếu mình là Elon Musk thì mình cũng RMT, tội gì.
Thời gian là vàng bạc
Lên cấp, đặc biệt là cấp cao từ 95 trở đi trong PoE 2, và càng phải nhấn mạnh hơn ở chế độ Hardcore – là cực kỳ khó. Bạn cần hiểu rõ về game, từng cơ chế boss, thật cẩn thận để không bị “về thành dưỡng sức” vì chỉ có 1 cơ hội, đúng với ý nghĩa Hardcore – chết là mất hết, mất cả vật phẩm lẫn nhân vật. Ở vị trí của Elon Musk đang là điều hành Tesla lẫn SpaceX, chắc chắn ông không có đủ thời gian để tự cày nhân vật như vậy. Musk hoàn toàn có thể thuê người cày sẵn rồi khi nào rảnh thì mới vô game giải trí, streaming… là bình thường, nên mình không thấy lạ ở điểm này, nhất là khi kết hợp với dự đoán RMT phía trên.
Tổng kết
Tỷ phú người Mỹ – Elon Musk – có thể chơi thật PoE 2 hay không theo mình là không quan trọng. Giả sử bạn là Musk, hoặc thậm chí bạn là 1 tỷ phú thông thường, nếu thích 1 game nào đó, bạn có thể thuê người cày sẵn rồi rảnh thì stream cho vui, kéo thêm fan cũng được. Bản thân mình chỉ là 1 nhân viên văn phòng bình thường thôi nhưng cũng luôn nhận thức được rằng game là để giải trí, nếu có thứ gì đó hỗ trợ, tiện lợi, đỡ mất thời gian thì mình chọn, dù gì gia đình và công việc vẫn quan trọng hơn nhiều. Có thể sau lần stream PoE 2 này Musk thấy các phản ứng và tự mình tìm hiểu game thêm thì sao, ai biết được.