Tôi 58 tuổi, mới bị đau khớp, đi khám phát hiện bệnh gout. Người mắc bệnh này có cần kiêng thức ăn nhiều đạm? (Trần Lịch, TP HCM)
Trả lời:
Gout là một dạng viêm khớp, xảy ra khi nồng độ axit uric trong máu quá cao. Axit uric được hình thành từ quá trình phân hủy purin – hợp chất có nhiều trong thực phẩm giàu protein. Thận không thể đào thải axit uric đủ nhanh dẫn đến tích tụ trong máu, hình thành tinh thể urat tại các khớp, gây đau đớn, viêm.
Chế độ ăn uống có vai trò quan trọng trong việc kiểm soát bệnh gout. Thực phẩm giàu protein thường chứa nhiều purin. Vì vậy, người bị gout hoặc có nguy cơ cao mắc bệnh cần tham khảo ý kiến của bác sĩ để được tư vấn chế độ dinh dưỡng hợp lý.
Thực phẩm giàu purin mà người bị gout cần tránh hoặc hạn chế gồm thịt nội tạng, thịt bò, thịt cừu, thịt nai, hải sản, thịt chế biến sẵn như thịt xông khói, xúc xích.
Người bệnh không cần kiêng hoàn toàn protein. Một số thực phẩm chứa ít purin hơn có thể ăn vừa phải, gồm thịt trắng như thịt gà, thịt vịt, ngỗng, cá ít purin như cá hồi, cá tuyết, nguồn protein thực vật như đậu phụ, các loại hạt (óc chó, hạnh nhân, hạt điều, hạt lanh).
Bạn nên bổ sung nhiều trái cây, rau xanh và ngũ cốc nguyên hạt để cung cấp carbohydrate phức hợp, giảm nồng độ axit uric. Uống đủ nước (2-3 lít mỗi ngày) hỗ trợ thận đào thải axit uric hiệu quả hơn.
Bệnh gout thường có liên quan đến bệnh lý mạn tính khác như béo phì, đái tháo đường, tăng huyết áp và rối loạn lipid máu. Người bệnh cần duy trì cân nặng hợp lý, hạn chế rượu bia, thực phẩm chứa nhiều đường fructose như nước ngọt có gas để giảm nguy cơ tái phát cơn gout. Tập thể dục thường xuyên giúp tăng sự linh hoạt của xương khớp.
Khi tình trạng đau khớp kéo dài, nặng hơn hoặc theo lịch hẹn, bạn nên đến bác sĩ chuyên khoa cơ xương khớp để được chẩn đoán, điều trị kịp thời. Bổ sung thêm các tinh chất thiên nhiên như eggshell membrane, collagen type 2 không biến tính, collagen peptide thủy phân, turmeric root, chondroitin sulfate… hỗ trợ bảo vệ màng hoạt dịch, phục hồi sụn khớp, tăng độ bền, dẻo dai cho khớp, giảm đau khớp.
Bác sĩ Trần Thị Trà Phương
Khoa Dinh dưỡng Tiết chế
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội
Độc giả đặt câu hỏi về dinh dưỡng tại đây để bác sĩ giải đáp |
Source link