Tại sao mệt mỏi nhưng mọi người vẫn ăn Tết?

Các lễ hội như Tết Nguyên Đán là dịp để mọi người quây quần, kết nối, nhưng cách mỗi cá nhân ăn mừng đang thay đổi theo thời gian.

Nhà xã hội học Terence Heng tại Singapore đã phân tích cách thức và lý do vì sao tương tác xã hội vẫn giữ vai trò quan trọng, bất kể chúng ta đón Tết theo cách nào.

Theo ông, Tết Nguyên Đán được mong chờ không chỉ vì ý nghĩa truyền thống, còn là cơ hội hiếm hoi trong năm để gặp gỡ cùng lúc nhiều thành viên gia đình, bạn bè, tận hưởng mua sắm hoặc đơn giản là tạm gác áp lực công việc.

Giới bán lẻ càng yêu thích những dịp lễ hội này bởi đây là thời điểm kích cầu tiêu dùng.

Không đơn thuần là một nghi thức, hành động tặng quà hay trao lì xì còn phản ánh nguyên tắc có đi có lại trong xã hội, góp phần củng cố các mối quan hệ và sự gắn kết giữa con người với nhau. Vì vậy, trong Tết Nguyên Đán hay những dịp quan trọng như đám cưới, việc ghi nhớ số tiền mừng tượng trưng cho sự duy trì cân bằng giữa cho – nhận và gắn kết nhau về mặt xã hội.

Trong các xã hội châu Á, vốn coi trọng hành động và tương tác hơn là biểu đạt bằng lời nói, những cử chỉ này thậm chí còn có ý nghĩa quan trọng hơn.





Các dịp lễ hội như Tết Nguyên Đán là sự kiện chúng ta mong đợi vì là cơ hội gặp gỡ người thân và bè bạn. Ảnh: CNA

Các dịp lễ hội như Tết Nguyên Đán là sự kiện chúng ta mong đợi vì là cơ hội gặp gỡ người thân và bè bạn. Ảnh: CNA

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra cách con người tận hưởng các lễ hội truyền thống đang dần thay đổi. Từ việc dành trọn thời gian cho gia đình, nhiều người hiện nay ưu tiên tận hưởng kỳ nghỉ với bạn bè. Một số gia đình tận dụng dịp Tết để đi du lịch thay vì thăm hỏi họ hàng như trước. Việc đi chúc Tết, gặp gỡ họ hàng dần trở thành lựa chọn cá nhân thay vì một nghĩa vụ bắt buộc. Và “loại bỏ người độc hại khỏi cuộc sống” là lời khuyên phổ biến.

Nhưng các nhà xã hội học cũng thấy dường như đây là một cách để tránh né đối diện và thảo luận về cảm xúc của bản thân. Phản ứng “hủy kết nối khi không thoải mái” như cách một số người trẻ đang làm, có thể trở thành con đường ngắn dẫn đến sự phân cực quan điểm và khiến chúng ta thu mình hơn nữa trong những vòng tròn xã hội khép kín.

Các lễ hội như Tết Nguyên Đán đôi khi buộc chúng ta phải giao tiếp trong những nhóm không quen, thậm chí có quan điểm trái ngược với mình. Đây chính là cơ hội để chúng ta học cách lắng nghe, thấu hiểu thay vì chỉ tìm kiếm sự đồng thuận tuyệt đối.

“Chúng ta không cần (và không nên) đồng tình với mọi quan điểm hay giá trị mình gặp phải, nhưng ít nhất nên cố gắng hiểu vì sao người khác lại nghĩ như vậy”, Terence Heng nói.

Bảo Nhiên (Theo CNA)




Source link

Từ khoá:

Bài viết liên quan Thời nay