Như vậy có thể hiểu khi vận hành thực tế, thời điểm đèn xanh tắt (không có bộ đếm giây), người điều khiển phương tiện nếu đã ở quá gần vạch dừng hoặc cột đèn tín hiệu, không có khả năng và không đảm bảo an toàn để dừng lại thì tiếp tục qua giao lộ và phải chú ý quan sát. Còn các phương tiện phía sau khi thấy đèn vàng thì giảm tốc độ và dừng trước vạch dừng.
Theo cá nhân mình quan sát thời gian vừa qua, phần đông ý kiến băn khoăn vấn đề vượt đèn vàng là phạm lỗi khi bỏ bộ đếm giây. Bởi như đã nêu bên trên, ở tình huống không đủ điều kiện để dừng trước vạch dừng thì chắc chắn phương tiện sẽ qua giao lộ khi đèn đã chuyển vàng, nếu như lỗi này bị phạt thì sẽ rất khó khăn khi tham gia giao thông. Hoặc nếu phạt, cũng cần có hệ thống camera giám sát tình huống cụ thể để xác định tình huống là bất khả kháng hay người cố ý vượt thì sẽ thêm phần yên tâm khi tham gia giao thông.
Bên cạnh đó, mình nhận thấy một vấn đề khác cũng quan trọng không kém việc phạt vượt đèn vàng, đó là hệ thống hạ tầng đèn giao thông. Với kinh nghiệm lái xe ở các nước không sử dụng đèn đếm giây, mình thấy rằng tại các giao lộ lớn hoặc đông đúc, trụ đèn tín hiệu được bố trí rất nhiều và dễ quan sát.
Tại TP.HCM, một số tuyến đường đông đúc và nhiều làn xe cũng có nhiều tuyến đường được trang bị đèn giao thông trên cao, rất dễ để quan sát. Nhưng một số tuyến đường thì hệ thống đèn vẫn còn ít, ví dụ như đường Điện Biên Phủ, nếu đi ở làn đường ngoài cùng bên trái và bên trong là xe tải thì rất dễ bị che khuất đèn tín hiệu.
Một giải pháp khả thi là tăng cường hệ thống đèn tín hiệu, có thể lắp đặt thêm trụ đèn ở vị trí cao hơn, ở giữa đường hoặc hai bên đường để đảm bảo người lái luôn có thể quan sát rõ ràng.
Hy vọng rằng, khi quy định bỏ bộ đếm đèn giao thông được ban hành, các vấn đề trên sẽ được giải quyết, từ đó góp phần tạo điều kiện cho người tham gia giao thông được an toàn và thoải mái hơn.