Hà Nội22h tại phòng hồi sức, tín hiệu cảnh báo của máy monitor vang liên hồi, người đàn ông 59 tuổi suy hô hấp, hôn mê do biến chứng cúm A, nguy cơ tử vong.
“Oxy tụt nhanh, SpO2 chỉ còn 80%, phổi mất chức năng thông khí”, bác sĩ Phạm Văn Phúc, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, vừa điều trị, vừa gấp gáp thông báo cho êkíp, hôm 9/2. SpO2 là nồng độ oxy trong máu, dưới 90% là tình trạng nguy hiểm.
“Mạch yếu dần, huyết áp tụt, có thể ngưng tim, cần đặt ECMO ngay”, bác sĩ Phúc ra y lệnh, biết rằng đây là phương án cuối cùng để níu giữ sự sống mong manh của người bệnh.
ECMO, còn gọi oxy hóa qua màng ngoài cơ thể, là phương pháp sử dụng tuần hoàn và trao đổi oxy bên ngoài cơ thể, nhằm hỗ trợ chức năng sống ở bệnh nhân suy tuần hoàn hoặc suy hô hấp nặng. Với nguyên lý hoạt động tương tự máy tim phổi nhân tạo, mục tiêu của ECMO là tạo thời gian cho tim phổi được nghỉ ngơi và hồi phục.
Đây là một trong những cảnh tượng thường xuyên diễn ra tại bệnh viện tuyến đầu trong lĩnh vực các bệnh truyền nhiễm. Trong bốn bệnh nhân nặng nhất khoa đang điều trị, bệnh nhân trên đối mặt biến chứng nguy hiểm nhất. Phổi của ông đã tổn thương 90% gây sốc nhiễm khuẩn nghiêm trọng, khiến CO2 tích tụ trong máu, trắng xóa. Sự phối hợp của cả êkíp gồm năm y bác sĩ và máy ECMO giúp các chỉ số sinh tồn tạm thời ổn định, dù nguy cơ còn hiện hữu.
![Bác sĩ Phúc cùng đồng nghiệp cấp tập điều trị cho các bệnh nhân nặng. Ảnh: Ngọc Thành](https://i1-suckhoe.vnecdn.net/2025/02/10/nmq-0926-jpg-1739158067-173915-5062-9459-1739159304.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=dAsOCx-ppdv-rxK6ymlm3g)
Bác sĩ Phúc cùng đồng nghiệp cấp tập điều trị cho các bệnh nhân nặng. Ảnh: Ngọc Thành
Ở chiếc giường kế bên, người đàn ông 66 tuổi, tiền sử phổi tắc nghẽn mạn tính, phụ thuộc hoàn toàn vào máy thở. Ông nhập viện với các triệu chứng ban đầu giống một cơn cảm cúm thông thường như sốt, ho, khó thở. Chỉ sau hai ngày, tình trạng tiến triển trầm trọng, phổi trắng xóa, mất chức năng 50-60%.
“Cả êkíp chuẩn bị tình huống người bệnh có thể ngừng tim, luôn ở thế sẵn sàng phục vụ cho cấp cứu ngừng tuần hoàn hô hấp như thiết lập theo dõi chỉ số sinh tồn liên tục, chuẩn bị adrenaline thuốc trợ tim, dịch truyền”, bác sĩ cho hay.
Cùng lúc, một nhân viên y tế được giao nhiệm vụ thông báo cho người nhà về tình trạng khẩn cấp. Ngoài hành lang, con trai ông khóc.
Bác sĩ đánh giá tổn thương phổi là tình trạng nặng nhất của bệnh nhân này. Ngoài thở máy, người bệnh được lọc máu liên tục, kiểm soát kiềm toan để lọc bớt cytokines, vốn là tác nhân dẫn tới các tổn thương đa cơ quan. Bệnh nhân còn bị sốc nhiễm trùng, phải duy trì thuốc vận mạch để đảm bảo huyết áp, tiên lượng nặng nề, cần thời gian điều trị lâu dài.
Theo thống kê tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, hiện có 14 bệnh nhân cúm A điều trị, trong đó 4 ca nặng phải nhập khoa Hồi sức tích cực, số còn lại đang ở khoa Cấp cứu. Tình trạng tổn thương phổi nghiêm trọng với kết quả “phổi trắng” qua phim X-quang là một dấu hiệu đặc trưng của đợt dịch năm nay. Các ca bệnh nặng phần lớn đều có bệnh nền mạn tính như tăng huyết áp, tiểu đường, hoặc bệnh liên quan đến phổi, khiến khả năng hồi phục của bệnh nhân giảm đi đáng kể.
Tình trạng bệnh nhân nhập viện tăng mạnh trong bối cảnh số ca cúm trên cả nước liên tục gia tăng từ cuối năm 2024 đến nay, chủ yếu được ghi nhận do các chủng cúm A/H3N2, A/H1N1 và cúm B. Bộ Y tế thống kê từ đầu năm 2025, cả nước ghi nhận hơn 900 ca, với nhiều người biến chứng nặng nhưng chưa có trường hợp tử vong.
Riêng tại các bệnh viện phía Bắc như Bạch Mai, Nhi Trung ương và Lão khoa Trung ương, lượng bệnh nhân cúm tăng đột biến, chủ yếu là người cao tuổi hoặc trẻ em. TP HCM ghi nhận 2.900 ca cúm trong năm 2024, bao gồm 11 trường hợp nghiêm trọng phải nhập viện.
Số liệu từ hệ thống nhà thuốc Long Châu cho thấy nhu cầu sử dụng thuốc điều trị cúm và sản phẩm dự phòng tăng 15-25% so với tháng trước. Trung bình mỗi ngày có hơn 100.000 lượt khách tìm mua các loại thuốc liên quan đến cúm với chi phí từ 110.000 đến 130.000 đồng mỗi hóa đơn. Điều này phản ánh mối lo ngại ngày càng tăng của người dân trước những biến chứng nguy hiểm của cúm mùa, đặc biệt là cúm A.
Nhiều chuyên gia nhận định các đặc điểm mùa dịch năm nay phức tạp do trùng với thời điểm Tết Nguyên đán và mùa lễ hội đầu năm. Việc người dân giao lưu, tụ họp đông đúc, cùng thời tiết lạnh ẩm kéo dài, tạo điều kiện cho virus lây lan nhanh chóng. Bên cạnh đó, tâm lý chủ quan của nhiều người khi chỉ coi cúm như một căn bệnh nhẹ cũng là yếu tố khiến tình trạng nhập viện tăng mạnh. Nhiều bệnh nhân khi nhập viện đã trong giai đoạn mất kiểm soát, tổn thương phổi nghiêm trọng hoặc suy đa cơ quan, khiến việc điều trị gặp nhiều thách thức.
Theo bác sĩ Võ Đức Linh, Trung tâm Hồi sức tích cực, virus cúm đặc biệt nguy hiểm với người nguy cơ cao như trẻ em và người cao tuổi mang bệnh nền mạn tính. Tương tự, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cho hay người có bệnh nền mạn tính như bệnh tim, phổi, đái tháo đường và người trên 65 tuổi có nguy cơ cao phát triển các biến chứng nghiêm trọng khi mắc cúm. Theo thống kê, 50-70% ca nhập viện và 70-85% ca tử vong do cúm xảy ra ở người trên 65 tuổi.
Các biến chứng thường gặp bao gồm suy hô hấp nhanh chóng trong 2-3 ngày, dẫn tới tổn thương phổi lan tỏa, bội nhiễm vi khuẩn, viêm cơ tim, thậm chí suy đa tạng và tử vong. Hầu hết ca nặng đang điều trị đều liên quan trực tiếp đến các bệnh lý phổi mạn tính hoặc hệ miễn dịch suy giảm.
![Y bác sĩ điều trị cho một bệnh nhân nặng. Ảnh: Ngọc Thành](https://i1-suckhoe.vnecdn.net/2025/02/10/nmq-0856-jpg-1739158237-173915-6288-2935-1739159304.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=L6x2ESbGkii2ALDiNpi8Ng)
Y bác sĩ điều trị cho một bệnh nhân nặng. Ảnh: Ngọc Thành
Trước diễn biến phức tạp của dịch cúm hiện nay, các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân cần nâng cao ý thức trong việc phòng tránh bệnh. Việc tiêm vaccine phòng cúm hàng năm được coi là biện pháp bảo vệ hiệu quả nhất, cùng với các thói quen như đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên và tránh tập trung nơi đông người. Đối với những người mang bệnh nền hoặc thuộc nhóm nguy cơ cao, việc đi khám định kỳ và tuân thủ phác đồ điều trị là vô cùng cần thiết để tránh những hậu quả đáng tiếc.
Thúy Quỳnh
Source link