TP HCMMột ngày sau khi nặn mụn, Khang, 15 tuổi, sưng mặt mũi, sốt 40 độ, nhức đầu, bác sĩ chẩn đoán viêm mô tế bào dẫn đến nhiễm trùng huyết.
Ngày 7/2, BS.CKI Đào Đỗ Thị Thiên Hương, khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết bé sốt cao liên tục, vùng mũi và dưới mắt sưng to, nóng, đỏ đau, da nề căng sau nặn mụn. Xét nghiệm máu cho thấy chỉ số bạch cầu tăng 18.000/mm3 (bình thường dưới 10.000, trên 15.000/mm3 là mức đáng báo động), phản ứng CPR đánh giá mức độ viêm ghi nhận tăng cao 95.8 mg/L, có lúc tăng rất cao 151.6 mg/L.
Bác sĩ Hương chẩn đoán Khang bị viêm mô tế bào vùng mặt dẫn đến nhiễm trùng huyết nghi do vi khuẩn tụ cầu vàng (Staphylococcus aureus) xâm lấn sau khi nặn mụn. Từ vết sưng nhỏ ban đầu trên chóp mũi, vết thương lan dần ra toàn bộ mũi, vùng dưới mắt và mí mắt trên, làm cho Khang không thể mở mắt, đau nhức mặt.
Do vết thương lan rộng trên mặt Khang, bé sốt cao liên tục, bác sĩ chỉ định chụp CT sọ não để đánh giá mức độ lan của tổn thương đồng thời siêu âm tầm soát thêm ổ nhiễm trùng ở các vị trí khác để phối hợp điều trị nếu có. Bác sĩ Hương đánh giá Khang may mắn nhập viện và truyền kháng sinh sớm nên tình trạng nhiễm trùng chưa lan vào cơ quan khác.
![Siêu âm cho thấy mô mặt bệnh nhân có ổ áp xe vùng đầu mặt. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh](https://i1-suckhoe.vnecdn.net/2025/02/07/image001-1738895374-9312-1738895556.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=EY-XWgXrRQkkPEUuLpGKBg)
Siêu âm cho thấy mô mặt bệnh nhân có ổ áp xe vùng đầu mặt. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Khang được điều trị tích cực, dùng các loại thuốc kháng sinh truyền, đáp ứng thuốc tốt, hết sốt, mặt, mắt giảm và dần hết sưng, hết đau, chỉ số nhiễm trùng cũng cải thiện. Kết quả cấy mủ ở vết thương sau đó xác định bé bị viêm mô tế bào do vi khuẩn Staphylococcus aureus như bác sĩ dự đoán ban đầu. Kết quả kháng sinh đồ cho thấy vi trùng cũng nhạy cảm với kháng sinh đang dùng cho bé. Khang tiếp tục được truyền kháng sinh thêm theo đúng phác đồ và xuất viện.
Nhiễm trùng huyết do tụ cầu vàng có thể dẫn đến sốc nhiễm trùng tổn thương nhiều cơ quan. Ngoài ra, quá trình lan rộng vi trùng còn có thể gây ra ổ mủ nhiều nơi như màng tim, phổi, não hoặc ăn vào xương gây hoại tử, viêm xương tủy xương phải điều trị nhiều ngày, thậm chí nhiều tháng.
Nhiễm trùng huyết là tình trạng nhiễm trùng, nhiễm độc toàn thân do sự xâm nhập của vi khuẩn, các độc tố vào máu. Trong đó, tụ cầu vàng là một trong những chủng thường gặp với độc tính cao, có khả năng kháng các loại kháng sinh thông dụng.
Vi khuẩn tụ cầu vàng thường tồn tại trên da và trong mũi, xâm nhập vào cơ thể thông qua những vết thương. Khi nặn mụn, cấu trúc da bị phá vỡ, có thể gây viêm, nhiễm trùng, từ đó vi khuẩn đi vào máu.
Bác sĩ Hương lưu ý mũi, miệng nằm trong khu vực tam giác nguy hiểm trên mặt bởi vùng này có các tĩnh mạch không có van một chiều. Điều này có nghĩa là máu từ vùng này có thể dễ dàng di chuyển ngược chiều và chảy vào các tĩnh mạch trong sọ, giúp vận chuyển máu đến não. Khi có vết thương như mụn nhọt, viêm da hoặc trầy xước, nhiễm trùng có thể lan nhanh và gây ra các biến chứng như viêm màng não, áp xe não, liệt của dây thần kinh sọ, đột quỵ, hôn mê, thậm chí tử vong.
Bệnh có thể phòng tránh bằng các biện pháp vệ sinh, an toàn lao động, xử trí sớm các ổ nhiễm khuẩn. Không nên chủ quan với mụn mủ, mụn trứng cá, vết thương nhỏ. Cần vệ sinh đúng cách và tránh tiếp xúc với các chất bẩn từ môi trường. Người có dấu hiệu sốt, đau sưng tấy, mệt mỏi… sau khi bị vết thương vùng mặt, cần đến bệnh viện khám và điều trị ngay. Tuyệt đối không tự ý nặn mủ hay lạm dụng corticoid mà nên dùng kháng sinh đúng chỉ định của bác sĩ để kết quả được tốt nhất, hạn chế biến chứng và di chứng nguy hiểm.
Đình Lâm
*Tên người bệnh đã được thay đổi
Độc giả đặt câu hỏi bệnh trẻ em tại đây để bác sĩ giải đáp |
Source link