Gần đây chỉ số ô nhiễm không khí tăng, một số nơi chỉ số ở mức xấu. Tôi hay bị viêm mũi họng, cần làm gì để phòng bảo vệ hệ hô hấp? (Thu Hoàng, Hà Nội).
Trả lời:
Chỉ số chất lượng không khí (Air Quality Index – AQI) cho biết tình trạng chất lượng không khí và mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Chỉ số AQI được tính theo thang điểm (gồm 6 giá trị) tương ứng với biểu tượng, màu sắc, mức độ ảnh hưởng khác nhau.
Khoảng giá trị AQI |
Khoảng chất lượng không khí |
Màu sắc | Ảnh hưởng tới sức khỏe con người |
0-50 | Tốt | Xanh | Chất lượng không khí tốt, không ảnh hưởng tới sức khỏe. |
51-100 | Trung bình | Vàng | Chất lượng không khí ở mức chấp nhận được. Tuy nhiên, những người nhạy cảm (người cao tuổi, trẻ em, người mắc bệnh hô hấp, tim mạch…) có thể chịu những tác động nhất định tới sức khỏe. |
101-150 | Kém | Da cam | Người nhạy cảm gặp vấn đề về sức khỏe, người bình thường ít ảnh hưởng. |
151-200 | Xấu | Đỏ | Người bình thường bị ảnh hưởng tới sức khỏe, nhóm người nhạy cảm có thể gặp những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn. |
201-300 | Rất xấu | Tím | Cảnh báo hướng tới sức khỏe: Mọi người bị ảnh hưởng tới sức khỏe nghiêm trọng. |
301-500 | Nguy hại | Nâu | Cảnh báo khẩn cấp về sức khỏe: Mọi người bị ảnh hưởng tới sức khỏe ở mức rất nghiêm trọng. |
Tiếp xúc với không khí ô nhiễm làm tăng nguy cơ viêm mũi họng, viêm xoang, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), hen suyễn… Chỉ số AQI được tính dựa trên nồng độ của chất ô nhiễm chính như bụi mịn PM2.5, PM10, khí NO2, SO2, CO và O3 trong không khí. Mỗi tác nhân ảnh hưởng khác nhau đến cơ thể con người.
![Theo Trung tâm Quan trắc Môi trường miền Bắc, chỉ số AQI đo được tại điểm Đại học Bách Khoa (đường Giải Phóng, Hà Nội) lúc 15h ngày 6/2 là 140 - mức kém. Ảnh: Minh Đức](https://i1-suckhoe.vnecdn.net/2025/02/08/image001-1739024356-6690-1739024488.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=6aiuFmz4-5SJkiEMFh-OQQ)
Theo Trung tâm Quan trắc Môi trường miền Bắc, chỉ số AQI đo được tại điểm Đại học Bách Khoa (đường Giải Phóng, Hà Nội) lúc 15h ngày 6/2 là 140 – mức kém. Ảnh: Minh Đức
Để chủ động bảo vệ sức khỏe trước những ảnh hưởng có hại của ô nhiễm không khí, mọi người nên thường xuyên theo dõi chỉ số AQI. Hạn chế ra ngoài vào những thời điểm chỉ số AQI cao (từ 101 trở lên), nhất là vào giờ cao điểm. Thường xuyên đeo khẩu trang đạt chuẩn (N95, N99) khi ra khỏi nhà.
Trẻ em, phụ nữ mang thai, người mắc bệnh hô hấp, tim mạch, người cao tuổi cần giảm thời gian hoạt động ngoài trời khi chỉ số AQI từ 51 đến 105. Khi chỉ số AQI cao, hãy đóng kín cửa sổ, dùng rèm che, máy lọc không khí để hạn chế bụi mịn. Tăng độ ẩm không khí bằng cách dùng máy tạo ẩm hoặc đặt chậu nước giúp hạn chế khô niêm mạc khí quản. Không hút thuốc, đốt nhang cũng giúp hạn chế nguồn ô nhiễm.
Bạn cần thường xuyên chú ý chăm sóc hệ hô hấp bằng cách uống đủ nước, nên uống nước ấm để giữ ẩm đường thở, làm loãng đờm và loại bỏ bụi bẩn. Bổ sung dinh dưỡng bằng cách ăn nhiều rau xanh, hoa quả chứa vitamin C, E, omega-3 (cam, bưởi, cá hồi) để tăng cường khả năng đề kháng của cơ thể. Dùng nước muối sinh lý rửa mũi, súc họng hàng ngày là biện pháp đơn giản để loại bỏ bụi bẩn, các chất ô nhiễm trong không khí. Nếu xuất hiện triệu chứng cấp tính như khó thở, ho, sốt, bạn cần đến ngay các cơ sở y tế để khám, điều trị.
Bác sĩ Nguyễn Văn Ngân
Khoa Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh hô hấp tại đây để bác sĩ giải đáp |
Source link