Hiện giờ một vài cố vấn của Son đang tìm cách kiềm chế tham vọng rót tiền vào OpenAI của ông. Họ luôn nhắc Son rằng, Altman là một người với tham vọng riêng, cụ thể là việc cố gắng mở rộng quy mô hợp tác ra khỏi giới hạn của nhà đầu tư lớn nhất hiện tại của OpenAI, Microsoft: “Sam giờ không chỉ còn là một CEO vận hành một startup. OpenAI là một công ty lớn, với tham vọng lớn.”
Bên cạnh hai “nhân vật chính” là Son và Altman, một nhóm các giám đốc điều hành đã được giao nhiệm vụ cụ thể hoá những chi tiết của thương vụ. Trong số đó đánh kể nhất là Sarah Friar, giám đốc tài chính của OpenAI, Peter Hoeschele, người đảm nhiệm công việc xây dựng cơ sở hạ tầng tại OpenAI. Rồi cùng với đó là CEO của ARM, Rene Haas cùng Vikas Parekh, một vị giám đốc cấp cao tại SoftBank.
Stargate được thiết kế và thi công để một mình OpenAI vận hành. Đó là cách nghĩ dựa trên nhu cầu hiệu năng điện toán khổng lồ mà đơn vị có trụ sở đặt tại San Francisco này cần để tiếp tục phát triển, tiếp tục nhắm tới giấc mơ tạo ra AGI. Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, theo một nguồn tin, OpenAI chưa có những cam kết cụ thể về việc thuê toàn bộ hệ thống Stargate phục vụ nghiên cứu phát triển hay vận hành mô hình AI:
“Thoả thuận Stargate không phải một thoả thuận tiêu chuẩn. Ông Son sẽ phải đổ tiền phục vụ xây dựng hệ thống này với lòng tin rằng OpenAI sẽ muốn lượng tài nguyên điện toán khổng lồ của nó. Nhưng hiện tại vẫn chưa có hợp đồng chính thức nào hết.”
Tình hình hiện tại, tất cả đều kỳ vọng OpenAI sẽ ký những thoả thuận để ứng dụng bất kỳ hệ thống data center trong toàn bộ hệ thống Stargate nào mà họ phát triển và đầu tư, rồi sau đó trong tương lai, Stargate sẽ phục vụ những khách hàng khác. Một nguồn tin khác thì cho rằng, không có hợp đồng và thoả thuận, thì quá trình xây dựng data center sẽ không bắt đầu.
Năm ngoái, tiền đề để dự án Stargate hình thành là tuyên bố của OpenAI trong một báo cáo nghiên cứu, nơi họ khẳng định “cơ sở hạ tầng là thứ đóng vai trò vận mệnh”, và Altman thì luôn giữ quan điểm cho rằng OpenAI hoàn toàn đủ sức đánh bại các đối thủ cạnh tranh trong cuộc đua phát triển AGI, miễn là họ có đủ tài nguyên.
Thế nhưng thời điểm hiện tại đã bắt đầu hiện diện những mô hình AI vận hành hiệu quả và tiết kiệm tài nguyên máy chủ hơn, chẳng đâu xa chính là DeepSeek R1. Sức mạnh của nó ở tầm nào vẫn chưa thể khẳng định chính xác, nhưng nó đủ tạo ra những nghi hoặc về những tuyên bố trước kia của các tập đoàn lớn, rằng quy mô data center là thứ tiên quyết để tạo ra những mô hình AI mạnh nhất.
Chính vì lẽ đó, bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy nhu cầu mở rộng, xây dựng và ứng dụng data center toàn cầu để phục vụ cuộc đua AI giảm đi, thì sự hiện hữu của chính dự án Stargate sẽ gặp rắc rối. Một nhà đầu tư từng làm việc với Masayoshi Son cho rằng: “Nếu bạn không để OpenAI tự tạo ra nhu cầu vận hành data center, bạn sẽ phải chịu một thứ thường diễn ra trong chu kỳ kinh doanh chip bán dẫn: Những fab gia công chẳng ai cần đến vì không có khách hàng. Khi ấy mọi chuyện sẽ trở nên vô cùng tồi tệ.”
Thoả thuận mới cho phép Masayoshi Son đầu tư mạnh tay cho Sam Altman, gắn liền số phận của SoftBank với khả năng phát triển của OpenAI, cả về giá trị vốn hoá lẫn tốc độ mở rộng quy mô hệ thống data center. Cả hai đơn vị đã có thoả thuận để đem những dịch vụ của OpenAI tới Nhật Bản, và những công ty thuộc quyền quản lý của SoftBank cũng đã cam kết đầu tư 3 tỷ USD mỗi năm cho các dịch vụ của OpenAI.
Một nguồn tin nói rằng: “Hiện giờ, cái gì tốt cho Altman là sẽ tốt cho Masa.”
Nhưng cùng lúc, nhiều người cũng hiểu rằng, Masayoshi Son không chỉ bị thu hút bởi tầm nhìn của một cá nhân đơn lẻ. Thương vụ mua lại ARM đã mô tả rõ ràng khả năng tiếp cận hàng tỷ USD tiền vốn và những khoản vay thế chấp, cũng như tạo cho ông khả năng nắm giữ một phần quan trọng của ngành AI trong tương lai. Một nhà đầu tư đã dặt ra câu hỏi: “Mọi quỹ đầu tư, mọi nhà khởi nghiệp và người làm ngành công nghệ đều đang muốn tìm ra cách tiếp cận Sam Altman. Hiện giờ chưa rõ với tiền của Masayoshi, liệu OpenAI và SoftBank có tạo ra được lợi thế cách biệt rõ ràng trong ngành AI hay không.
Theo FT