Doanh số chip Intel Xeon 2024 thấp kỷ lục trong vòng 13 năm

“Không đau vì quá đau” có lẽ là những gì các cổ đông Intel đang cảm nhận vào lúc này. Sau báo cáo tài chính vẫn tiếp tục lỗ dù không “đau” bằng Q3 trước đó, họ còn được biết các kế hoạch sản phẩm tương lai của công ty này nếu không hoãn thì cũng bị huỷ ra mắt. Mới đây nhất, một thông tin còn khiến các cổ đông công ty này “nhói lòng” hơn là doanh số chip Xeon cả năm vừa qua tụt xuống mức thấp kỷ lục. Nếu bạn có biết, mảng server là cỗ máy kiếm tiền mạnh nhất của Intel hàng chục năm qua.


Intel server chip shipment 2011-2024.png



Doanh số CPU Intel server trong 2024 rớt kỷ lục. Nguồn: SemiAnalysis

Theo thống kê của SemiAnalysis từ hồ sơ Form 10-K của Intel gửi Uỷ ban Giao dịch Chứng khoán Mỹ (SEC), doanh số chip Xeon trong 2023 lẫn 2024 đều tụt kỷ lục, chỉ bằng 80-90% so với 2011. Thực tế nếu doanh số của Intel “đi ngang” suốt các năm qua thì con số trên cũng không có gì đáng nói. Nhưng vấn đề ở chỗ Intel liên tục ăn nên làm ra cả gần thập kỷ, với đỉnh cao 2021 có doanh số hơn 2011 hơn 60%! Có nghĩa chỉ trong vòng 2 năm, cỗ máy kiếm tiền của công ty này đã “hết xăng”…

Thực ra nói “hết xăng” thì không đúng, vì Intel vẫn tiếp tục sản xuất và bán chip Xeon. Sản phẩm mới nhất mà hãng này vừa tung ra thị trường là Xeon 6900P (Granite Rapids), không lâu trước đó là Xeon 6700E (Sierra Forest). Song các sản phẩm này đều không thực sự cạnh tranh trước các đối thủ EPYC của AMD. Chưa kể, sự xuất hiện của AmpereOne cũng khiến Intel khó khăn hơn ở phân khúc máy chủ đám mây. Mới đây nhất, Intel còn lặng lẽ giảm giá hàng loạt chip Xeon 6900P tới 30%, chấp nhận “đứng dưới” EPYC 9005. Động thái này càng thể hiện rõ tình cảnh “10 phần nguy khốn” của tập đoàn này.


Intel Xeon CPU tray.webp



Xeon là cỗ máy kiếm tiền lớn nhất của Intel suốt thập kỷ qua

Cần nói thêm trong thập kỷ trước, thị phần chip Xeon tăng mạnh chủ yếu nhờ 2 nguyên nhân. Trước hết là sự bùng nổ của IoT và điện toán đám mây, dẫn tới nhu cầu chip server tăng vọt. Sau nữa là thị trường gần như không có đối thủ, khi các “đại gia” RISC như IBM, Sun thoái lui dần, còn AMD gần như phá sản, chip Xeon nghiễm nhiên là lựa chọn duy nhất cho các khách hàng. Về sau, có thêm vài nguyên nhân “buồn cười” nữa là lỗi bảo mật Meltdown và Spectre trên các sản phẩm này. Các bản vá lỗi do Intel cung cấp giúp hạn chế rủi ro nhưng đồng thời cũng “bóp” hiệu năng các trung tâm dữ liệu. Nó dẫn tới một tình huống “tréo nghoe” là các khách hàng của Intel cần phải mua thêm chip Xeon mới để “bù đắp” phần hiệu năng… bị mất! Và công ty này lại có thêm lý do để ăn mừng doanh số!

Nhưng may mắn không kéo dài mãi, những ngày tháng lãi đậm của Intel tới hồi kết thúc. Giờ đây, điều duy nhất các cổ đông công ty này đang mong đợi có lẽ là “khi nào thì ác mộng chấm dứt”?



Source link

Từ khoá:

Bài viết liên quan Thể thao