Cúm gia tăng, TP HCM khuyến cáo đeo khẩu trang

Sở Y tế TP HCM khuyến cáo người dân cần đeo khẩu trang trong khuôn viên cơ sở y tế trước bối cảnh nhiều nơi bùng phát dịch.

Ngày 9/2, đại diện Sở Y tế TP HCM cho biết hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm ghi nhận khoảng 2.900 ca được chẩn đoán cúm trong năm 2024, trong đó 11 ca bệnh nặng và không có trường hợp tử vong. Hiện có 20 trường hợp cúm điều trị nội trú tại các bệnh viện. Đến nay, thành phố chưa phát hiện bất thường trong tiếp nhận, điều trị bệnh nhân cúm.

Trong bối cảnh thời tiết thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh qua đường hô hấp lây lan, ngành y tế giám sát chặt tình hình tại các cơ sở y tế và tăng cường phòng chống dịch cúm, không để xảy ra hoang mang, lo lắng, nhưng cũng không chủ quan, lơ là.

Người dân đến khám chữa bệnh, liên hệ công tác phải thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang trong khuôn viên cơ sở y tế. Các phòng khám, bệnh viện thực hiện quy trình báo cáo các tình huống dịch bệnh khẩn cấp. Tăng cường phòng chống cúm gia cầm lây sang người. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM phối hợp giám sát các trường hợp cúm, nghi ngờ viêm phổi nặng do virus (SVP) trên địa bàn.





Nhân viên y tế làm việc tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần

Nhân viên y tế làm việc tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần

Theo Bộ Y tế, Hệ thống giám sát dựa vào sự kiện tại Việt Nam ghi nhận các thông tin bùng phát dịch cúm mùa tại Nhật Bản. Dữ liệu công bố ngày 31/1 của Viện Truyền nhiễm Quốc gia Nhật Bản, từ ngày 2/9/2024 đến ngày 26/1/2025, nước này ghi nhận khoảng 9,5 triệu trường hợp mắc cúm mùa. Trong đó, tuần cuối cùng của năm 2024 ghi nhận hơn 317.000 ca.

Ngày 8/2, Bộ Y tế ghi nhận số ca cúm tăng cục bộ từ cuối năm 2024 và Tết song không tăng đột biến so với hàng năm, tác nhân chủ yếu là virus A/H3N2, A/H1N1 và cúm B. Từ đầu năm 2025 đến nay, cả nước ghi nhận hơn 900 ca cúm, giảm 97% so với cùng kỳ năm ngoái, không có ca tử vong.

Tại một số bệnh viện phía Bắc, số bệnh nhân khám, cấp cứu do cúm mùa cũng gia tăng và được đánh giá tương đương các năm. Thời tiết mùa đông xuân với điều kiện khí hậu gió mùa, nồm ẩm, thuận lợi cho các mầm bệnh lây truyền qua đường hô hấp phát triển. Thời gian này cũng là mùa lễ hội đầu năm, nhu cầu giao thương, du lịch tăng cao; thường xuyên xảy ra việc tập trung đông người tại các địa điểm du lịch, vui chơi, giải trí và các khu vực công cộng, tăng nguy cơ lây nhiễm.

Bên cạnh việc đeo khẩu trang, người dân cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng với nước sạch. Hạn chế tiếp xúc với trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch các loại vaccine phòng bệnh.

Lê Phương




Source link

Từ khoá:

Bài viết liên quan Sức khỏe