Sau Tết, cần lên kế hoạch làm việc hợp lý, duy trì chế độ ăn uống cân đối, vận động thường xuyên, hít thở đúng cách để cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần.
Theo BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM – Cơ sở 3, Tết là kì nghỉ dài, nhịp sinh hoạt bị thay đổi. Trước và trong Tết bận rộn và mệt mỏi vì dọn dẹp nhà cửa, tổ chức ăn uống, thăm viếng họ hàng, bạn bè khiến nhiều người có tâm lý mệt mỏi, uể oải sau Tết.
Phương pháp vực dậy tinh thần
– Lên kế hoạch trở lại công việc. Nếu thấy mệt, nên sắp xếp thời gian vừa làm vừa nghỉ ngơi, thư giãn.
– Vận động thân thể.
– Ngủ đủ giấc, ngủ và dậy đúng giờ.
– Ăn uống đủ dưỡng chất.
Chế độ ăn uống
– Sử dụng các thực phẩm phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm: mua đồ đảm bảo chất lượng, xem kỹ hạn sử dụng, bao bì đóng gói.
– Cân đối việc sử dụng đạm, béo và rau xanh (thường ăn nhiều thịt, ít ăn rau).
– Hạn chế thức uống có ga, nhiều đường như nước ngọt, mứt, bánh kẹo…
– Những người có bệnh mạn tính như tiểu đường, mỡ máu, tim mạch cần tuân thủ khẩu phần ăn thường ngày theo hướng dẫn của thầy thuốc.
![Trước và trong Tết bận rộn và mệt mỏi vì dọn dẹp nhà cửa, tổ chức ăn uống, thăm viếng họ hàng, bạn bè khiến nhiều người có tâm lý mệt mỏi, uể oải sau Tết. Ảnh: Pexels](https://i1-suckhoe.vnecdn.net/2025/02/05/pexels-olly-3760538-1738763409-8720-3406-1738763703.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=y7431IhzrBODKdibIJdyzA)
Trước và trong Tết bận rộn và mệt mỏi vì dọn dẹp nhà cửa, tổ chức ăn uống, thăm viếng họ hàng, bạn bè khiến nhiều người có tâm lý mệt mỏi, uể oải sau Tết. Ảnh: Pexels
Tập luyện thể dục
– Tăng cường các tri giác giúp tỉnh táo hơn: Xoa đầu mặt, xoa tai, xoa xoang và mắt.
– Tập trung tinh thần, thư giãn.
– Vận động thân thể toàn diện.
Hít thở đúng cách
Hít thở không đúng cách
Chúng ta thường có thói quen hít thở không đúng cách, vì thế thường không sử dụng hết bề mặt hô hấp của phổi.
Các dấu hiệu giúp nhận biết bạn đang thở không hiệu quả:
– Thường xuyên mệt mỏi: Hô hấp không hiệu quả đồng nghĩa với việc cơ thể không được cung cấp đầy đủ oxy, khi đó năng lượng được tạo ra không đủ để cung cấp cho các hoạt động hằng ngày.
– Đau mỏi cơ vùng vai gáy: Động tác hít thở bằng ngực không thể giúp phổi nở ra tối đa. Các cơ vùng vai, cổ và gáy phải hoạt động nhiều hơn giúp mở rộng lồng ngực để làm tăng lượng không khí đi qua phổi. Điều này lặp lại và kéo dài sẽ tạo ra sự co cứng và cảm giác nhức mỏi của nhóm cơ này.
– Thở miệng: đây là thói quen sai lầm phổ biến. Nhiều người thường dùng miệng để thở thay vì dùng mũi. Hệ hô hấp sẽ nhận được nhiều oxy hơn mức cần thiết, giải phóng nhiều khí carbonic hơn. Điều này không những khiến cơ thể dễ rơi vào trạng thái hồi hộp, đánh trống ngực mà còn làm cho miệng bị khô và có mùi khó chịu.
– Nín thở vô thức: Khi nhận ra bản thân có những đợt nín thở ngắn, vô thức thì có thể bản thân bạn đang gặp phải stress. Dấu hiệu này nhắc nhở bản thân nên dừng lại và hít thở sâu để lấy lại cân bằng.
Hít thở đúng cách
Nên tập hít thở sâu. Cách thở này duy trì tinh thần tích cực, vui vẻ; kiểm soát cảm xúc, giảm đau; cải thiện miễn dịch, tiêu hóa do kích hoạt hệ thần kinh giao cảm.
Mỹ Ý
Source link