Một số doanh nghiệp bất động sản lãi đậm năm 2024

Năm ngoái, không ít ông lớn bất động sản vẫn lãi đậm nhờ tiêu thụ thành công lượng hàng tồn kho và bàn giao nhiều dự án trọng điểm.

Công ty cổ phần Vinhomes ghi nhận doanh thu thuần quý IV/2024 hơn 33.000 tỷ đồng, tăng gần 4 lần so với cùng kỳ 2023. Khoản lợi nhuận ròng trong quý của doanh nghiệp hơn 14.000 tỷ đồng, tăng 7 lần so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, lợi nhuận hợp nhất sau thuế năm ngoái của Vinhomes đạt khoảng 35.052 tỷ đồng, tăng 4,5%.

Một ông lớn khác trong ngành là Khang Điền cũng ghi nhận kết quả kinh doanh 2024 khả quan, đạt doanh thu gần 3.280 tỷ đồng, tăng 57% và lợi nhuận ròng 810 tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2023. Các chỉ số này đều vượt kế hoạch đề ra, phần lớn doanh thu của công ty đến từ chuyển nhượng và bàn giao dự án bất động sản.

Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long cũng có một năm kinh doanh tích cực khi doanh thu thuần quý IV/2024 hơn 6.300 tỷ đồng, gấp 4 lần cùng kỳ năm trước. Lãi sau thuế khoảng 1.327 tỷ đồng, gấp 2,7 lần so với cùng kỳ. Đây là khoản lợi nhuận quý cao nhất trong lịch sử hoạt động của doanh nghiệp này. Lũy kế cả năm, Nam Long có gần 7.200 tỷ đồng doanh thu và khoảng 1.382 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng lần lượt 126% và 73%, đồng thời vượt 68% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Loạt chủ đầu tư lớn khác cũng công bố kết quả năm 2024 tăng trưởng tích cực như địa ốc Hoàng Quân có mức lãi ròng gần 33 tỷ đồng, cao nhất từ năm 2020; Văn Phú Invest ghi nhận doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt hơn 749 tỷ đồng và 101 tỷ đồng, tăng 457% và 305% so với cùng kỳ năm trước; An Gia đạt lãi ròng gần 298 tỷ đồng, tăng 70% và vượt 19% kế hoạch đề ra…

Đánh giá về kết quả tích cực trên của nhiều doanh nghiệp địa ốc, giới chuyên gia cho rằng nhờ việc các chủ đầu tư linh động trong tái cấu trúc hoạt động. Trước bối cảnh thị trường còn khó khăn, thay vì phát triển dàn trải, nhiều chủ đầu tư tập trung vào chiến lượt đẩy nhanh hoạt động xây dựng, hoàn thiện các dự án hiện hữu để duy trì dòng tiền và củng cố niềm tin với người mua nhà.

Thông qua hoạt động M&A, những doanh nghiệp này đã giải tỏa áp lực tài chính và tái cơ cấu dòng sản phẩm chủ đạo. Minh chứng rõ nhất là doanh thu của phần lớn chủ đầu tư trong năm qua đến từ hoạt động sang nhượng và bàn giao dự án. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp nhỏ hướng đến phát triển dòng sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường chung mà ghi nhận doanh số bán hàng khả quan.

Bên cạnh đó, trợ lực cho ngành bất động sản phục hồi còn nhờ tác động từ các chính sách pháp lý mới, sự ổn định của nền kinh tế và hỗ trợ từ chính phủ. Đặc biệt là việc ba Luật mới: Nhà ở 2023, Kinh doanh Bất động sản 2023 và Luật Đất đai 2024 chính thức có hiệu lực không chỉ góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý, mở ra chu kỳ mới cho thị trường theo hướng an toàn, lành mạnh mà còn cải thiện chỉ số tâm lý của người mua nhà.





Bất động sản khu đô thị Thủ Thiêm, khu vực ven sông Sài Gòn, tháng 10/2024. Ảnh: Quỳnh Trần

Bất động sản khu đô thị Thủ Thiêm, khu vực ven sông Sài Gòn, tháng 10/2024. Ảnh: Quỳnh Trần

Bên cạnh những điểm sáng trên, phần đông doanh nghiệp bất động sản còn lại vẫn khó khăn. Nhiều chủ đầu tư như Thuduc House, Novaland, LDG, TTC Land, DRH Holdings… đều chìm trong thua lỗ. Một số có khởi sắc so với năm 2023 nhưng vẫn thấp hơn nhiều mức doanh thu trung bình của những năm trước đó.

Qua khảo sát khoảng 100 doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng mức tăng trưởng tín dụng trong ngành địa ốc và xây dựng năm rồi giảm. Dòng tiền luân chuyển trong bất động sản đến từ hai nguồn chính là từ kinh doanh và tài chính. Tuy nhiên, cả hai nguồn tiền này đều đang gặp khó khăn, doanh nghiệp không triển khai được dự án nên khó huy động vốn trong dân, tiếp cận kênh ngân hàng cũng nhiều rào cản.

Dự báo về doanh thu bán hàng của các doanh nghiệp bất động sản năm nay, VIS Rating, Công ty xếp hạng tín nhiệm đầu tư Việt Nam, thành viên của Moody’s (có trụ sở tại Mỹ), cho biết khả năng cao sẽ tăng từ 25-50% so với năm 2024. Yếu tố giúp thúc đẩy doanh số bán hàng và dòng tiền vào bất động sản năm nay đến từ sự phục hồi của nguồn cung, tâm lý tích cực của thị trường và xu hướng tăng giá bán.

SSI Research cũng dự báo thị trường địa ốc sẽ phát triển tốt trong năm nay nhờ triển vọng kinh tế tích cực và nguồn cung mới gia tăng. Theo đó, doanh số bán hàng của các ông lớn bất động sản như Vinhomes dự kiến tăng hơn 3,8%; Khang Điền tăng 72%, Nam Long tăng 35%…

Bên cạnh mặt tích cực, chuyên gia VIS Rating cũng lo ngại dòng tiền yếu là điểm hạn chế trong hồ sơ tín nhiệm của các chủ đầu tư tại Việt Nam. Hiện nay khoảng 70% doanh nghiệp có dòng tiền hoạt động để trả nợ đến hạn ở mức yếu. Ngoài ra, các chủ đầu tư phải đối mặt với chi phí phát triển dự án gia tăng đáng kể và nhu cầu của người mua nhà phục hồi không đồng đều. Thị trường bất động sản hiện có gần 110.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn năm nay. Những chủ đầu tư từng chậm trả gốc, lãi sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc tìm nguồn tái cấp vốn để tránh bị chậm trả gốc, lãi trong những lần tới.

Còn theo chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, doanh thu bất động sản năm nay sẽ có sự cải thiện rõ nét hơn. Chính phủ đang đẩy phê duyệt pháp lý cho các dự án nổi bật, tăng cường cấp phép mới các dự án đủ điều kiện bán hàng. Khi những dự án này được triển khai ra thị trường sẽ giúp cải thiện doanh số bán hàng và thu về dòng tiền cho chủ đầu tư.

Tuy nhiên nguồn vốn của các công ty bất động sản vẫn đối mặt nhiều khó khăn. Mặc dù tín dụng được đánh giá là tốt ở bề nổi, thực chất phần lớn các doanh nghiệp chỉ đang xoay vòng vốn vay cộng lãi chưa trả được. Do đó, ông Hiển cho rằng năm 2025 có những cải thiện nhưng vẫn sẽ là năm khó khăn chung của doanh nghiệp bất động sản. Phải từ 2026 trở đi, thị trường này mới có cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn khi nền kinh tế dần ổn định.

Phương Uyên




Source link

Từ khoá:

Bài viết liên quan Tin Khởi Nghiệp