Là ngành xuất khẩu lớn của châu Âu và có nhiều nhà máy ở Mexico, Canada, công nghiệp ôtô đang thấp thỏm trong cuộc thương chiến của ông Trump.
Lệnh áp thuế nhập khẩu của Tổng thống Donald Trump với Mexico, Canada lẽ ra có hiệu lực từ ngày 4/2, nhưng Mỹ đã lùi thời hạn một tháng sau khi các bên đạt được thỏa thuận đàm phán.
Trước đó, hôm 31/1, ông Trump khẳng định “hoàn toàn” có ý định nhắm vào việc áp thuế lên hàng hóa châu Âu. Chưa có quyết định cụ thể nào được đưa ra từ hai phía nhưng EU tuyên bố sẽ đáp trả “kiên quyết”.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu của các nhà sản xuất ôtô và doanh nghiệp cung ứng ngành này trải qua “chuyến đi tàu lượn siêu tốc” những ngày qua. Một số nhẹ nhõm sau khi ông Trump lùi thời hạn hiệu lực thuế với hai nước láng giềng, nhưng các cuộc thảo luận về tương lai vẫn tiếp diễn.
Sam Fiorani, Phó chủ tịch công ty nghiên cứu AutoForecast Solutions dự báo thuế quan áp lên Mexico, Canada sẽ gây ra “hậu quả tài chính nghiêm trọng và tức thời” cho các hãng ôtô Mỹ, công ty sản xuất xe tại hai quốc gia này bán vào Mỹ.
![Xe tải xuất xưởng tại nhà máy lắp ráp GM ở Oshawa, Ontario, Canada ngày 24/9/2019. Ảnh: Reuters](https://i1-kinhdoanh.vnecdn.net/2025/02/06/2019-09-24T183105Z-2060236400-1575-1570-1738832639.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=2FQA5s6T0yU4yCSF8OgR6A)
Xe tải xuất xưởng tại nhà máy lắp ráp GM ở Oshawa, Ontario, Canada ngày 24/9/2019. Ảnh: Reuters
Với ngành ôtô Mỹ, Mexico và Canada cung cấp hơn 40% và 20% linh kiện xe lắp ráp, theo ngân hàng Barclays. Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất phụ tùng ôtô Canada Flavio Volpe nói thuế quan “sẽ ảnh hưởng trực tiếp” đến hoạt động lắp ráp tại Michigan, Alabama, Georgia và California.
Theo ông, mức thuế 25% của ông Trump cao hơn so với biên lợi nhuận của bất kỳ bên nào trong chuỗi cung ứng. “Các quân cờ domino sẽ đổ khi cuộc tranh luận diễn ra nhanh chóng về việc ai hấp thụ mức thuế này”, ông bình luận.
John cho rằng không công ty nào có thể chấp nhận được cú sốc giá thành mạnh như vậy. Vì không ai sẵn sàng gánh chịu, ông Trump sẽ khiến chính ngành công nghiệp của Mỹ đình trệ. Theo Automotive News, 100.000 việc làm trực tiếp bị đe dọa ở Canada. Nhưng Mỹ và Mexico bị ảnh hưởng gấp mười lần, mỗi nước có thể mất tới một triệu việc làm.
Trong toàn chuỗi cung ứng ở Bắc Mỹ, có 26 địa điểm sản xuất ôtô tại Mexico, 5 ở Canada. Từ 80% đến 85% sản phẩm sản xuất tại đó được chuyển đến bán ở Mỹ, theo Guillaume Dejean, cố vấn ngành ôtô công ty bảo hiểm Allianz Trade.
Vì vậy, khi thương chiến nổ ra, các nhà sản xuất dễ bị tổn thương, nhất là General Motors, với 25% sản lượng nhập khẩu từ nhà máy đặt tại Meẽico. Kế tiếp là Ford (14%) và Stellantis (12%). Công ty quản lý tài sản AllianceBernstein ước tính trong tương lai gần, thuế nhập khẩu của ông Trump có thể khiến ngành ôtô Mỹ chịu thêm 110 triệu USD chi phí mỗi ngày và khoảng 40 tỷ USD một năm nếu không có thay đổi lớn về sản xuất.
Các doanh nghiệp Nhật Bản cũng bị ảnh hưởng, với rủi ro hàng đầu là Nissan khi họ có một nhà máy lớn ở Mexico và 40% doanh thu từ Mỹ. Tiếp đến là Toyota, Honda và Mazda. Ngoài mối đe dọa thuế quan, các hãng còn đối diện sự cạnh tranh gia tăng của Trung Quốc ở châu Á.
Trong khi, cơ quan xếp hạng tín nhiệm Moody’s cảnh báo rằng các nhà sản xuất châu Âu có nguy cơ cao nhất là Stellantis, Volkswagen và Volvo Cars. Nếu các mức thuế, gồm 10% với các sản phẩm châu Âu được xác nhận, lợi nhuận của Volkswagen có thể giảm 20-25% và Volvo, Stellantis trên 15%.
Một số nhà cung cấp đã thêm “phí thuế quan” vào đơn hàng cho các hãng sản xuất ôtô để chuẩn bị cho sự thay đổi chính sách, theo Dan Hearsch, nhà phân tích của AlixPartners.
ZF (Đức) – nhà cung cấp phanh và vô lăng cho 13 nhà máy tại Mexico đang thảo luận với các nhà sản xuất về chi phí thuế quan và kỳ vọng người mua cùng chia sẻ. “Không có công ty nào trong chuỗi cung ứng đủ khả năng hấp thụ những khoản tăng chi phí này”, phát ngôn viên của ZF nói.
Với Tesla, Guillaume Dejean cho rằng hãng có nguy cơ ảnh hưởng bởi các biện pháp thương mại chống lại Trung Quốc và việc chấm dứt hỗ trợ cho xe điện. Trong biện pháp đáp trả với thuế của ông Trump, Bắc Kinh cũng áp thuế 10% lên xe tải điện nhập khẩu từ Mỹ, có khả năng ảnh hưởng đến mẫu Cybertruck.
Các chuyên gia cho rằng, bất ổn xoay quanh các lời đe dọa của ông Trump khiến ngành công nghiệp ôtô gần như không thể thực hiện các biện pháp đáng kể nhằm giảm thiệt hại tiềm tàng. Bởi bối cảnh pháp lý có thể thay đổi chỉ sau một bài đăng trên mạng xã hội của Tổng thống Trump.
“Liệu bạn có muốn đầu tư vào một dây chuyền sản xuất tại Mỹ khi chính sách có thể đảo ngược trong vòng 4 năm hay thậm chí là vào ngày mai không?” ông Andy Palmer, Giám đốc điều hành công ty tư vấn Palmer Automotive đặt vấn đề.
John Plassard, nhà phân tích của Ngân hàng Mirabaud có trụ sở tại Geneva, Thụy Sĩ nói nền kinh tế toàn cầu sẽ khó thoát khỏi tình trạng bất ổn. “Hãy nhớ lại cuộc chiến thương mại năm 2018-2019”, ông nói. Khi ấy, tăng trưởng của eurozone chậm lại 0,9 điểm phần trăm so với trước không phải do chi phí trực tiếp mà vì nỗi sợ hãi đã bao trùm, theo chuyên gia.
“Sự bất ổn về thương mại tựa như thuốc độc chậm, ngấm vào phòng họp và đóng băng các quyết định đầu tư”, John nói. Vì vậy, khó mà hoàn toàn bình tĩnh, đặc biệt khi mối đe dọa thuế quan đã phơi bày những điểm yếu của ngành ôtô, theo Le Monde.
Phiên An (theo Reuters, Le Monde)
Source link