Phân biệt triệu chứng sốt phát ban trên da

Ban sởi xuất hiện khi sốt cao dần, dạng dát sẩn, còn ban rubella màu nhạt, dày đặc, biến mất không dấu vết.

Theo BS.CKI Nguyễn Thị Kim Dung, Đơn vị Da liễu – Thẩm mỹ Da, Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7, sốt phát ban là bệnh thường gặp ở trẻ em, với hai dấu hiệu nổi bật là sốt và nổi các ban dạng dát, sẩn li ti, phân bố rải rác hoặc tập trung thành cụm nhỏ có màu đỏ, hồng trên một vài vùng da hoặc toàn thân. Trẻ thường sốt cao, kéo dài từ vài ngày đến một tuần. Tùy vào nguyên nhân gây bệnh, các vết phát ban có thể xuất hiện ở các vị trí khác nhau trên cơ thể và có hình dáng, màu sắc, diễn tiến khác nhau.

Theo bác sĩ Dung, có nhiều nguyên nhân gây sốt phát ban ở trẻ, phần lớn là do virus, ngoài ra còn có vi khuẩn, côn trùng đốt (bọ chét, chấy, rận, ve…) hoặc các bệnh khác. Chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây sốt phát ban giúp bác sĩ điều trị kịp thời và hiệu quả, tránh biến chứng nguy hiểm cho trẻ.

HHV

Một số virus thường gây sốt phát ban ở trẻ em, trong đó Human Herpesvirus (HHV) là loại phổ biến nhất. HHV-6, HHV-7 là các chủng virus lây từ người sang người qua tiếp xúc cơ thể, dùng chung vật dụng cá nhân với người nhiễm bệnh, hay lây qua giọt bắn chứa virus khi người bệnh hắt hơi, ho, sổ mũi. Do đó, những nơi đông đúc, nhiều trẻ em như nhà trẻ, trường học có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

Trẻ sốt cao đột ngột 38,5-40 độ C, kèm ho nhẹ, sổ mũi, tiêu lỏng… Sốt thường giảm vào ngày thứ 3 hoặc 4, ban mới xuất hiện, lan nhanh trong vòng 1-2 ngày rồi biến mất hoàn toàn không để lại vết thâm hay sẹo trên da bé.

Sởi

Ban đầu trẻ sốt nhẹ kèm đỏ mắt, sợ ánh sáng, ho, chảy nước mũi, đau họng, nổi đốm trắng nhỏ trong niêm mạc miệng (đốm Koplik)… Những ngày sau, sốt cao dần kèm những nốt ban đỏ, ban có dạng dát sẩn, xuất hiện ban đầu ở tai rồi lan ra vùng mặt, sau đó đến ngực lưng, cuối cùng xuống tới mông, đùi và bàn chân. Lúc này bé giảm sốt, các ban lặn dần theo tuần tự vùng xuất hiện trước sẽ hết trước, để lại các vết thâm nhìn giống như vằn hổ trên người trẻ.

Bác sĩ Dung lưu ý bệnh sởi có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho đường hô hấp, thần kinh, tiêu hóa, tai – mũi – họng, làm suy yếu hệ miễn dịch dẫn đến tăng nguy cơ bội nhiễm với bệnh khác… Trẻ cần được tiêm vaccine đầy đủ, tránh tiếp xúc với người nghi ngờ mắc bệnh, theo dõi sát các dấu hiệu gợi ý xuất hiện biến chứng để đưa trẻ đến bác sĩ khám kịp thời.





Ban sởi ở chân một bệnh nhi. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Ban sởi ở chân một bệnh nhi. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Rubella

Ở trẻ em, rubella thường nhẹ với các triệu chứng bao gồm sốt nhẹ dưới 39 độ C, phát ban, sưng hạch sau tai, hạch cổ, viêm kết mạc… Theo bác sĩ Dung, phát ban xảy ra ở khoảng 50-80% trường hợp mắc rubella, khi sốt đã giảm. Ban thường bắt đầu trên mặt và cổ rồi lan xuống cơ thể trong vòng 24 giờ. Ban màu nhạt và phân bố dày đặc hơn các loại ban khác, xuất hiện không theo quy luật và biến mất không để lại dấu vết trên da.

Vi khuẩn Streptococcus pyogens nhóm A

Bệnh này còn gọi là liên cầu tan huyết nhóm A hay sốt tinh hồng nhiệt. Người bệnh có biểu hiện đặc trưng là sốt, viêm họng xuất tiết, phát ban dạng sẩn màu đỏ tươi ở ngực rồi lan ra tay chân, thân mình, tập trung ở vùng nếp gấp và mông, da thô ráp như giấy nhám, kèm lưỡi dâu tây, vết hằn đỏ sậm tại các nếp gấp.

Tổn thương da kéo dài 4-5 ngày, biến mất sau 7-10 ngày, lúc này bong da xuất hiện ở mặt, lòng bàn tay, bàn chân… Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể gây các biến chứng như viêm tai giữa, viêm phế quản, viêm cầu thận, thấp khớp, viêm cơ tim…

Côn trùng cắn

Bên cạnh các tác nhân gây bệnh kể trên, trẻ có thể bị sốt phát ban do bị nhiễm khuẩn từ vết cắn của các loại côn trùng nhỏ như bọ chét, chấy, rận… Những loại côn trùng này thường ký sinh trên chó, mèo và các loại vật nuôi trong nhà hay ở nơi không đảm bảo vệ sinh.

Vết cắn của côn trùng khiến trẻ bị ngứa, gãi nhiều, tạo ra nhiều vết thương hở trên bề mặt da. Điều này có thể khiến vi khuẩn gây sốt phát ban di chuyển vào máu. Một số trường hợp, trẻ có thể mắc bệnh ngay cả khi không gãi.

Bác sĩ Dung cho biết khi trẻ bị sốt phát ban, bố mẹ nên đưa con đi khám, xác định nguyên nhân gây bệnh để được điều trị, tư vấn và hướng dẫn theo dõi, chăm sóc đúng cách. Phụ huynh giảm sốt cho trẻ bằng thuốc hạ sốt, lau mát, mặc đồ rộng rãi. Bổ sung nước và bù điện giải theo chỉ định của bác sĩ nếu bé sốt cao, nôn ói, tiêu chảy nhiều. Đảm bảo cho trẻ dinh dưỡng đầy đủ, giữ vệ sinh cá nhân và không gian sinh hoạt, cách ly với những người xung quanh.

Nếu ban xuất hiện nhanh kèm triệu chứng sốt cao liên tục không giảm dù đã uống thuốc hạ sốt, lừ đừ, bỏ bú, khó thở, co giật hoặc nôn mửa, da khô nhiều, tiểu ít…, phụ huynh cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay lập tức.

Du Nguyên

Độc giả gửi câu hỏi về bệnh da liễu tại đây để bác sĩ giải đáp



Source link

Từ khoá:

Bài viết liên quan Sức khỏe