Luật mới được thông qua này trao cho Taranaki tất cả các quyền, thẩm quyền, trách nhiệm pháp lý của một pháp nhân. Điều này có nghĩa là các thực thể tự nhiên như núi Taranaki sẽ được công nhận quyền sống, quyền không bị xâm phạm, và quyền được bảo vệ khỏi sự tàn phá của con người.Ví dụ, giống như một pháp nhân không thể bị sở hữu, địa điểm tự nhiên này cũng không thể bị chiếm hữu. Quyền pháp nhân sẽ giúp nâng cao công tác bảo vệ môi trường, động vật hoang dã và thiên nhiên xung quanh. Dù vậy, du khách vẫn có thể đến tham quan địa điểm này.
Với việc thông qua đạo luật này, 4 đại diện từ các bộ tộc Maori cùng với 4 người khác do Bộ bảo tồn New Zealand bổ nhiệm sẽ thành lập một tổ chức đại diện cho “gương mặt và tiếng nói” của ngọn núi.
Vào năm 1770, nhà thám hiểm người Anh – thuyền trưởng James Cook đã phát hiện ra núi Taranaki và đặt tên mới cho ngọn núi là Egmont. Năm 1840, các tù trưởng của bộ tộc Maori và đại diện của hoàng gia Anh đã ký hiệp ước Waitangi – văn kiện thành lập New Zealand. Đến năm 1865, một phần lãnh thổ Taranaki, bao gồm cả ngọn núi, bị hoàng gia Anh tịch thu sau cuộc nổi dậy của người Maori. Kể từ đó, các dịch vụ du lịch ở khu vực này được thúc đẩy dưới sự phản đối của người Maori.
New Zealand là quốc gia đầu tiên trên thế giới công nhận các đặc điểm tự nhiên là con người khi một đạo luật được thông qua vào năm 2014 trao quyền nhân cách cho Te Urewera, một khu rừng bản địa rộng lớn trên Đảo Bắc. Điều này chấm dứt quyền sở hữu của chính phủ và trao quyền bảo vệ khu rừng cho bộ tộc Tūhoe. Tiếp theo là sông Whanganui vào năm 2017, và giờ đây là Taranaki, nơi thứ ba ở New Zealand được công nhận quyền pháp nhân.
Theo CNN