Tổng thống Trump muốn củng cố sức cạnh tranh, giảm phụ thuộc vào nguồn cung từ đối thủ khi đề xuất Ukraine đổi đất hiếm để lấy viện trợ từ Mỹ.
“Chúng tôi đang tìm cách đạt thỏa thuận với Ukraine, theo đó họ sẽ đảm bảo được những thứ đang nhận được từ chúng tôi bằng cách cung cấp đất hiếm và những thứ khác”, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói với các phóng viên tại Phòng Bầu dục ngày 3/2, nhắc đến viện trợ mà Washington dành cho Kiev.
Giới quan sát cho biết ông Trump nhắm đến khoáng sản quan trọng này tại Ukraine dường như để ứng phó thế thống trị của Trung Quốc trên thị trường đất hiếm toàn cầu. Với nghị trình “Nước Mỹ trên hết”, ông chủ Nhà Trắng sẽ muốn củng cố vị thế cạnh tranh của Washington trước các đối thủ.
![Tổng thống Trump trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng ngày 4/2. Ảnh: AP](https://i1-vnexpress.vnecdn.net/2025/02/07/AP25036021236042-9489-1738885634.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=-Dtqi48VCrviYShpdBKN5A)
Tổng thống Trump trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng ngày 4/2. Ảnh: AP
Đất hiếm gồm 17 nguyên tố kim loại và, trái với tên gọi, có trữ lượng tương đối dồi dào trong vỏ Trái Đất. Tuy nhiên, đất hiếm khó khai thác, lượng thu được so với số đất đá đào lên rất thấp. Ngoài ra, kim loại trong tự nhiên thường ở dạng hợp chất, cần tinh luyện trước khi sử dụng.
Đất hiếm là nguyên liệu quan trọng trong sản xuất thiết bị công nghệ cao, như điện thoại thông minh, pin xe điện. Ngành quốc phòng sử dụng đất hiếm trong chế tạo vũ khí. Do đó, cuộc đua giữa các quốc gia về tìm kiếm, bảo vệ nguồn cung và khai thác khoáng sản này ngày càng tăng nhiệt.
Theo ước tính của Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS), trữ lượng đất hiếm ở Mỹ là 3,6 triệu tấn, ở Canada là hơn 14 triệu tấn. Mỹ là quốc gia sản xuất đất hiếm lớn thứ hai thế giới, sau Trung Quốc, quốc gia có trữ lượng đất hiếm hơn 40 triệu tấn.
Trung Quốc từ lâu đã thống trị thị trường đất hiếm, chiếm tới 70% sản lượng khai thác và 90% công suất tinh luyện khoáng sản này. Ngoài ra, Trung Quốc còn là bên cung cấp than chì, titanium lớn nhất thế giới, giữ vai trò quan trọng trong tinh luyện lithium, kim loại thiết yếu trong lĩnh vực pin xe điện.
USGS đánh giá Mỹ phụ thuộc đáng kể vào nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu khoáng sản quan trọng và chủ yếu là từ Trung Quốc. Quan hệ thương mại giữa hai nước trở nên căng thẳng từ nhiệm kỳ đầu của ông Trump, khiến Mỹ càng phải sớm tìm thêm nguồn cung thay thế.
Trung Quốc những năm gần đây thắt chặt kiểm soát khoáng sản và đất hiếm, như cấm xuất khẩu công nghệ sản xuất đất hiếm, yêu cầu các nhà xuất khẩu theo dõi cách sử dụng đất hiếm trong chuỗi cung ứng. Đầu tháng 12/2024, Trung Quốc cấm xuất khẩu sản phẩm liên quan đến chất bán dẫn gồm gallium, germanium và antimony sang Mỹ với lý do an ninh.
Ngày 3/2, cùng ngày ông Trump tuyên bố sẽ áp thêm thuế với Trung Quốc, Bắc Kinh thông báo áp kiểm soát xuất khẩu với wolfram, tellurium, ruthenium, và molybdenum, cũng là các kim loại quan trọng với lĩnh vực công nghệ cao.
Những kim loại kể trên được USGS năm 2022 đưa vào danh sách 50 khoáng sản có vai trò quan trọng đối với kinh tế và an ninh quốc gia Mỹ.
“Trữ lượng khoáng sản ở Ukraine có thể tạo lực đẩy quan trọng cho chuỗi cung ứng của Mỹ, giảm thiểu phụ thuộc chiến lược vào Trung Quốc”, Samuel Ramani, nhà nghiên cứu tại viện chính sách về an ninh và quốc phòng RUSI, trụ sở ở Anh, nhận định.
![Vị trí các khu vực giàu tài nguyên khoáng sản ở Ukraine. Đồ họa: Washington Post](https://i1-vnexpress.vnecdn.net/2025/02/05/download-19-1738741016-7174-1738743879.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=H0Jgciv9rDYa5KXS7BUK7w)
Vị trí khu vực có tài nguyên khoáng sản ở Ukraine. Vùng màu đỏ là nơi Nga đang kiểm soát. Đồ họa: United Media 24
Báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2024 ước tính đất hiếm ở Ukraine chiếm khoảng 5% tổng trữ lượng trên thế giới. Cơ quan Khảo sát Địa chất Ukraine cho biết nước này còn có lượng đáng kể các khoáng sản khác như lithium, titanium, zirconium.
Ukraine năm 2022 tuyên bố có trữ lượng titanium chiếm 7% toàn cầu. Trữ lượng quặng lithium ở Ukraine khoảng 33 triệu tấn, trị giá 38 tỷ USD, trữ lượng than chì khoảng 19 triệu tấn. Than chì cũng có nhiều ứng dụng trong công nghiệp, bao gồm chế tạo pin.
Ukraine còn giàu nhiều tài nguyên phổ biến khác như quặng đồng, sắt, dầu mỏ và khí đốt.
Tổng thống Trump chưa nêu cụ thể những gì muốn nhận từ Ukraine để đổi lấy viện trợ. Hiện chưa rõ “những thứ khác” mà ông đề cập là gì, nhưng đề xuất từ ông chủ Nhà Trắng dường như phù hợp với chiến lược của Tổng thống Volodymyr Zelensky. Ông Zelensky ngày 4/2 kêu gọi các công ty Mỹ đầu tư vào đất hiếm Ukraine, gọi đây là “mũi nhọn kinh tế quan trọng” trong “kế hoạch chiến thắng” của ông nhằm chấm dứt cuộc xung đột với Nga.
![Một mỏ than gần thị trấn Dobropillia, vùng Donetsk hồi tháng 11/2024. Ảnh: AFP](https://i1-vnexpress.vnecdn.net/2025/02/05/AFP-20241124-36N87H3-v1-HighRe-2765-5172-1738743879.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Jd_NX_3QZYQ411sN95hANw)
Một mỏ than gần thị trấn Dobropillia, vùng Donetsk hồi tháng 11/2024. Ảnh: AFP
Tuy nhiên, giới chuyên gia phương Tây bày tỏ hoài nghi về khả năng khai thác khoáng sản tại Ukraine trong tương lai gần.
“Lỗ hổng lớn nhất trong kế hoạch này là hầu hết trữ lượng của Ukraine lại nằm ở khu vực Nga kiểm soát hoặc rất gần chiến tuyến”, Wolf-Christian Paes, nhà nghiên cứu tại Viện Quốc tế và Nghiên cứu Chiến lược (IISS), nói với WSJ. “Rất khó tiếp cận nguồn lực này nếu không có hòa bình lâu dài ở Ukraine. Một lệnh ngừng bắn là chưa đủ”.
Ngoài ra, ông Trump nguy cơ còn đối mặt với sự phản đối từ các đồng minh của Mỹ trong NATO. Thủ tướng Đức Olaf Scholz ngày 3/2 chỉ trích ông Trump “ích kỷ” khi đề xuất Ukraine đổi tài nguyên lấy viện trợ, cho rằng nguồn lực này của Kiev nên được dùng để tái thiết đất nước khi chiến sự kết thúc.
Nataliya Katser-Buchkovska, đồng sáng lập Quỹ Đầu tư bền vững Ukraine, nói một thỏa thuận giúp tăng đầu tư từ Mỹ vào ngành khai khoáng Ukraine sẽ có lợi cho cả đôi bên.
“Đây không chỉ là bước quan trọng giúp Ukraine phục hồi kinh tế thời hậu chiến, mà còn là cơ hội để Mỹ giải quyết các vấn đề liên quan chuỗi cung ứng toàn cầu”, bà Katser-Buchkovska nói với CNN.
Như Tâm (Theo CNN, Washington Post, AFP)
Source link