MỹThừa kế 14 triệu USD từ chồng, bà Marjorie Jackson không tin tưởng ngân hàng nên rút tiền mặt giấu khắp nơi trong nhà, từ đó trở thành mục tiêu của trộm cướp.
Tiền của bà Marjorie đến từ chồng là Chester Jackson, một doanh nhân và nhà đầu tư khôn ngoan đã tích lũy được khối tài sản lớn trước khi qua đời vào năm 1970.
Bố của Chester, ông Lafayette Andrew Jackson, thành lập chuỗi cửa hàng tạp hóa Standard Grocery và phát triển thành hơn 250 cửa hàng tại Indianapolis và các thành phố khác trên toàn tiểu bang. Chester trở thành chủ tịch công ty vào năm 1931 sau khi bố bị bắn chết trong một vụ cướp tại cửa hàng lớn nhất của chuỗi này.
Ông Chester bán chuỗi cửa hàng vào năm 1947, sau đó đầu tư vào cổ phiếu và trái phiếu. Gia sản của ông có tổng giá trị hơn 25 triệu USD.
Ông Chester đã có vợ khi gặp Marjorie O’Connell. Marjorie xuất thân nghèo khó, làm việc tại cửa hàng tạp hóa ở trung tâm Indianapolis.
Cặp đôi có mối quan hệ ngoài luồng trong nhiều năm trước khi Chester ly hôn. Họ kết hôn năm 1952. Hai năm sau, cặp đôi mua ngôi nhà ở khu 6400 đường Spring Mill.
Giấu tiền mặt khắp nhà
Khi ông Chester qua đời năm 1970, bà Marjorie thừa kế số tiền ước tính 14 triệu USD và gửi phần lớn vào Ngân hàng Quốc gia Indiana. Điều ít ai biết vào thời điểm đó là ông Chester, vốn không ưa Sở Thuế vụ Mỹ (IRS), đã giấu tiền mặt tại nhà trong nhiều năm. Số tiền có thể lên tới hơn 2 triệu USD.
Bà Marjorie, 60 tuổi khi chồng mất, vẫn tiếp tục sống tại ngôi nhà ở Spring Mill. Nhưng theo thời gian, bà trở nên khép kín hơn và để mặc khu đất mọc đầy cỏ dại. Bà sở hữu hai chiếc Cadillac mới, cất trong gara chưa bao giờ lái.
Hàng xóm cho biết cú sốc mất chồng dường như khiến bà Marjorie suy sụp, trở nên hoang tưởng và cực kỳ sùng đạo. Bà nói chuyện với chim chóc và động vật, thực hiện các nghi lễ tôn giáo kỳ lạ, la hét những lời lăng mạ phân biệt chủng tộc.
Năm 1976, một nhân viên ngân hàng đã biển thủ 700.000 USD trong tài khoản của bà Marjorie. Người này bị kết án 10 năm tù, nhưng vụ việc đã để lại ấn tượng tồi tệ về ngân hàng trong tâm trí bà Marjorie. Bà bắt đầu rút tiền tiết kiệm. Mỗi lần đến ngân hàng, bà yêu cầu rút 500.000 đến 1 triệu USD, mang những chồng tiền 100 USD về nhà trong một chiếc valy hoặc túi đựng đồ tạp hóa.
Trong khoảng bốn tháng, bà Marjorie đã rút hết tiền trong ngân hàng, tổng cộng khoảng 8 triệu USD.
Bà giấu tiền khắp nhà giống chồng: trong tủ quần áo, hộp đựng đồ nghề, thùng rác và túi đựng máy hút bụi. Tiền được để lẫn lộn với một bộ sưu tập quà tặng kỳ lạ, từ khăn mặt, bánh ngọt đến đồ trang sức đắt tiền, rải rác khắp nhà. Những hộp quà được bọc cẩn thận có nhãn ghi: “Gửi Chúa Jesus, từ Marjorie Jackson” và “Gửi Chúa Trời, từ Marjorie”. Tay nắm cửa nhà bà được phủ giấy bạc nhằm mục đích bảo vệ khỏi ma quỷ.
Các viên chức ngân hàng, cảnh sát, thẩm phán và công tố viên đều cố gắng thuyết phục bà Marjorie rằng việc giữ nhiều tiền như vậy ở nhà là rủi ro. Theo họ, điều đó có thể khiến tính mạng bà gặp nguy hiểm. Đáp lại, Marjorie bảo họ cứ lo chuyện của mình đi.
Hai vụ trộm trước án mạng
Sau khi tin tức lan truyền khắp khu phố, hai thiếu niên 19 tuổi đã lập mưu đột nhập nhà Jackson vào ngày 16/5/1976, lấy đi hơn 800.000 USD tiền mặt cùng nhiều đồ trang sức. Khi phóng xe chạy trốn, cả hai ném đồ trang sức ra ngoài, hầu hết vòng cổ và nhẫn kim cương, đồng hồ, vòng cổ ngọc bích và ngọc trai rơi xuống kênh đào.
Bà Marjorie không báo cáo vụ việc. Nhưng hai tên trộm vung tiền và khoe khoang về tội ác, khiến cảnh sát đến nhà bà để hỏi có truy tố họ không. Tuy nhiên, bà chĩa súng đồ chơi vào cảnh sát, phủ nhận bị đột nhập lấy trộm tiền.
Khi cảnh sát nói rằng một trong những tên trộm thừa nhận đã ăn cắp hơn 800.000 USD, Marjorie khẳng định rằng kẻ đó nói dối. “Cút khỏi đất của tôi”, bà ra lệnh cho họ.
Việc Marjorie từ chối nói chuyện với cảnh sát khiến ngôi nhà đầy tiền của bà càng trở thành mục tiêu dễ bị tấn công hơn.
Ngày 1/5/1977, Howard “Billy Joe” Willard, 38 tuổi và Manuel Lee Robinson, 29 tuổi đột nhập nhà Jackson. Bộ đôi rời đi với khoảng một triệu USD tiền mặt. Vụ án một lần nữa không được báo cáo.
Sau phi vụ đầu tiên quá dễ dàng, bộ đôi trở lại nhà Jackson hai ngày sau đó để vơ vét đống tiền mặt chưa kịp lấy. Lần này, họ đối đầu với bà góa. Billy Joe đã bắn vào bụng Marjorie bằng một khẩu súng trường.
Những tên trộm phóng hỏa hòng xóa dấu vết, nhưng ngọn lửa nhỏ âm ỉ không thể thiêu hủy thi thể và chỉ một phần ngôi nhà bị hư hại. Vì ngôi nhà nằm biệt lập, phải mất vài ngày vụ việc mới được phát hiện.
Thi thể Marjorie được lính cứu hỏa tìm thấy vào ngày 7/5/1977. Bà chết vì mất máu trên sàn bếp. Xung quanh bà là rất nhiều gói quà, gần đó là bộ đồ ăn bằng sứ và dao dĩa tinh xảo được bày sẵn cho “bữa tiệc với Chúa Jesus”.
Theo cảnh sát, ngôi nhà bừa bộn, chất đầy đồ tạp hóa, quần áo và các vật dụng khác, khiến các điều tra viên khó xác định được liệu có thứ gì bị đánh cắp hay không.
Dù Billy Joe và Manuel đã mang đi nhiều túi tiền mặt, chủ yếu là tờ 100 USD, cảnh sát phát hiện họ đã bỏ lại hàng triệu USD. Nhà chức trách cho biết không bao giờ có thể xác nhận được chính xác số tiền Marjorie đã giấu và số tiền bộ đôi lấy đi là bao nhiêu.
Theo ước tính, có thể có tới 15 triệu USD được cất giấu tại nhà Jackson. Hơn 5 triệu USD được thu hồi sau vụ hỏa hoạn, phần lớn được nhét trong thùng rác giấu bên trong tủ quần áo ở hành lang. Billy Joe và Manuel được cho là đã lấy ít nhất 2 đến 3 triệu USD mỗi người.
Vụ việc được báo cáo là vụ trộm tiền mặt lớn nhất tại nhà dân trong lịch sử Mỹ.
Thủ phạm sa lưới vì tiêu tiền như nước
Luật sư bào chữa của Manuel cho biết: “Nếu họ không đốt nhà thì vụ giết người có thể đã không bị phát hiện trong nhiều tháng vì nạn nhân là người sống ẩn dật”.
Cảnh sát không mất nhiều thời gian để truy dấu hai kẻ gây án. Billy Joe và Manuel bị bắt vì “tiêu tiền như nước” sau vụ cướp.
Những manh mối giúp phá án đến từ các đại lý xe hơi ở Indianapolis. Những người bán hàng hoài nghi và báo cảnh sát sau khi hai người đàn ông mua xe mới, trả bằng tiền mặt. Điều này không phải là chưa từng có, nhưng chuyện xảy ra tiếp theo mới làm dấy lên nghi ngờ: Họ quay lại để mua những chiếc xe khác và lại trả bằng tiền mặt.
Sau khi Manuel bị bắt, 1,6 triệu USD đã được tìm thấy trong một chiếc valy giấu dưới gầm giường trong căn hộ của anh ta. Anh ta khai rằng một người đàn ông đã đưa tiền cho anh ta để cất giữ nhưng không biết tên người đó.
Khi điều tra viên chất vấn Manuel về sự vô lý trong lời khai, anh ta nói có số điện thoại của người đàn ông đó. Nhưng hóa ra đó là số điện thoại nhà bạn gái của Billy Joe ở Mooresville.
Billy Joe và người phụ nữ đã bỏ trốn khi cảnh sát đến nhà họ, nhưng bị bắt ở bang Arizona. Một lần nữa, chính sự tiêu xài xa hoa khiến cặp đôi gặp rắc rối. Họ đã trả khoảng 50.000 USD tiền mặt để mua hai chiếc xe RV đã qua sử dụng.
Billy Joe bị đưa trở lại Indiana, bị kết tội giết người và nhận án tù chung thân. Anh ta qua đời trong trại giam vào tháng 6/1987 vì đột quỵ.
Manuel được tuyên trắng án về tội giết người nhưng bị kết tội trộm cắp và phóng hỏa. Anh ta được tự do năm 1988 nhưng lại bị bắt vào năm 1990 và phải ngồi tù 10 năm.
Manuel sau đó tiết lộ với phóng viên rằng anh ta nghĩ các viên chức thực thi pháp luật đã giữ lại khoảng 450.000 USD tiền mặt mà anh ta kiếm được từ vụ trộm nhà Jackson.
Số tiền còn lại ở đâu?
Bạn gái của Billy Joe đã dẫn hai đặc vụ FBI đến một địa điểm gần xa lộ I-17 ở phía bắc thành phố Phoenix, bang Arizona. Tại đó, đặc vụ báo cáo tìm thấy 1,7 triệu USD tiền mặt, được giấu trong hai chiếc hộp chôn dưới sa mạc.
Tại phiên tòa xét xử Billy Joe, cô bạn gái làm chứng rằng một luật sư nổi tiếng đã khuyên Billy Joe chia số tiền và chôn ở nhiều địa điểm để bảo vệ bản thân khỏi những tên côn đồ muốn chiếm đoạt.
Về số tiền còn lại không bao giờ được tìm thấy, phóng viên điều tra kỳ cựu Don Devereux đưa ra giả thuyết rằng một trong những đặc vụ FBI có thể đã tìm thấy nhiều tiền mặt hơn số tiền họ báo cáo, và chuyển nó vào một tài khoản ngân hàng ở Thụy Sĩ.
Devereux dựng nên giả thuyết sau khi nhận được manh mối từ một nguồn tin trong lực lượng thực thi pháp luật. Nguồn tin nói rằng có vẻ kỳ lạ khi một số tang vật dường như đã biến mất dù cả hai nghi phạm đều hợp tác với chính quyền.
Trong số các hồ sơ FBI mà Devereux có được năm 2014 thông qua yêu cầu Đạo luật Tự do Thông tin (FOIA), có một thông báo rằng hồ sơ đã bị “hủy một phần” vào năm 1993.
Devereux còn phát hiện hồ sơ có điểm khác thường. Nó chứa tên của một trong những đặc vụ FBI từng thu hồi số tiền. Cái tên này xuất hiện sáu lần trong hồ sơ, không bị bôi đen như thường thấy trong các tài liệu công khai. Ông coi đó là dấu hiệu cho thấy có người trong văn phòng FBI ở Phoenix cũng nghi ngờ đặc vụ này.
“Một lần có thể là vô ý. Sáu lần là một thông điệp. Ít nhất, đó là cách tôi hiểu”, Devereux nói.
Sau khi biết một phần hồ sơ vụ án đã bị hủy, Devereux yêu cầu Bộ Tư pháp Mỹ điều tra nhưng không nhận được kết quả.
Steve Koers, cựu cảnh sát trưởng Indianapolis, đồng thời là cháu họ của bà Marjorie và là người đồng thực thi di chúc của bà, cho biết: “Chúng tôi luôn nghĩ rằng có ít nhất 1,6 triệu USD chưa bao giờ được tìm thấy. Có thể còn nhiều hơn thế nữa. Con số 1,6 triệu USD này chúng tôi biết dựa trên số sê-ri và số tiền bà ấy rút khỏi ngân hàng”.
Tuệ Anh (Theo Indianapolis Star, People)
Source link