Người châu Phi lo lắng, sợ hãi khi viện trợ USAID bị cắt

Việc Mỹ cắt viện trợ toàn cầu thông qua USAID đang gây ra nỗi sợ hãi, đau đớn và đói khát cho những người dễ bị tổn thương nhất ở châu Phi.

Từ cuối tuần trước, 434 trong tổng số 634 bếp ăn từ thiện ở Khartoum, thành phố bị chiến tranh tàn phá ở Sudan, đã đóng cửa, sau khi chính quyền Tổng thống Donald Trump thông báo đóng băng mọi nguồn viện trợ nước ngoài. Mỹ trước đó là bên tài trợ lớn nhất cho các bếp ăn từ thiện nuôi sống khoảng 816.000 người ở Khartoum.

Nguồn tài trợ này chủ yếu được cung cấp qua Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID), đơn vị từ lâu đã đóng vai trò là tổ chức viện trợ toàn cầu chính của Washington. Nhưng từ tuần trước, chính quyền Tổng thống Trump đã yêu cầu đóng cửa toàn bộ văn phòng USAID ở nước ngoài và buộc hàng nghìn nhân viên tạm dừng công việc.

Khi USAID đứng trước nguy cơ phải đóng cửa, các tổ chức từ thiện khác ở Sudan lo ngại về việc họ có thể tiếp tục tài trợ cho những bếp ăn miễn phí như vậy hay không. Một số nhóm đã cắt nguồn viện trợ hoàn toàn.

“Đó là bữa ăn duy nhất mà họ có mỗi ngày”, Hajooj Kuka, phát ngôn viên Đơn vị Ứng phó Khẩn cấp, nhóm tài trợ bếp ăn miễn phí ở Khartoum, cho hay. “Ngày càng nhiều bếp ăn phải đóng cửa”.

Không chỉ các bếp ăn từ thiện nguội lạnh, nhiều đơn vị cứu thương ở châu Phi không còn nguồn lực để chăm sóc người bị thương hay cần hỗ trợ y tế khi hoạt động của USAID tê liệt. Các bậc cha mẹ tìm kiếm trong vô vọng những loại thuốc giúp con cái và chính bản thân họ sống sót.

Tại các thành phố bị đánh bom ở Sudan, những phòng khám ở Kenya và trại tị nạn ở Mauritania, chính sách cắt giảm viện trợ của chính quyền Tổng thống Trump đang gây ra hậu quả thảm khốc đối với một bộ phận cư dân dễ bị tổn thương nhất thế giới.





Cao lương từ USAID được chuyển đến một bến cảng tạm ở Nam Sudan hồi năm 2023. Ảnh: Washington Post

Lương thực của USAID được chuyển đến một bến cảng tạm ở Nam Sudan hồi năm 2023. Ảnh: Washington Post

Theo các nhân viên cứu trợ tuyến đầu và người dân phụ thuộc vào những chương trình nhân đạo do Mỹ tài trợ, quyết định hủy bỏ hoặc đình chỉ hàng tỷ USD viện trợ nước ngoài của Tổng thống Trump đang làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhân đạo ở châu Phi nói riêng và trên toàn thế giới nói chung, đe dọa vô số sinh mạng.

USAID năm ngoái chi 40 tỷ USD trong 68 tỷ USD mà Mỹ phân bổ cho các chương trình viện trợ nước ngoài, biến cơ quan này thành nhà tài trợ lớn nhất thế giới, cung cấp thực phẩm, dịch vụ chăm sóc sức khỏe và nước sạch cho hàng chục triệu người. Trong 5 năm qua, các quốc gia ở châu Phi cận Sahara chiếm hơn 1/3 chi tiêu viện trợ nước ngoài của Mỹ.

“Chúng tôi đã dành cả tuần để đưa USAID vào máy nghiền”, tỷ phú Elon Musk, người được Tổng thống Trump giao phụ trách Ban Hiệu suất Chính phủ (DOGE) nhằm cắt giảm chi tiêu liên bang, viết trên mạng xã hội X hôm 3/2. Gọi USAID là một “tổ chức tội phạm”, Musk tuyên bố “đã đến lúc nó phải chết”.

Đến cuối ngày, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio công bố kế hoạch tái cấu trúc và có khả năng xóa sổ USAID với lý do các hệ thống, quy trình mà nó áp dụng “thường dẫn đến bất đồng trong chính sách cũng như quan hệ đối ngoại của Mỹ”.

USAID lâu nay nhận được ủng hộ mạnh mẽ từ lưỡng đảng tại Washington. Những người ủng hộ cho biết ngoài cứu sống những người yếu thế, tổ chức này còn giúp ổn định một số khu vực nghèo đói và bất ổn nhất thế giới, đồng thời củng cố “quyền lực mềm” của Mỹ, chống lại ảnh hưởng từ Nga và Trung Quốc.

“Mặc dù vài chương trình có khả năng được chính quyền Trump miễn trừ, riêng ở Đông Phi, hàng chục triệu người hiện không nhận được bất kỳ viện trợ nhân đạo nào”, một quan chức cấp cao chính phủ Mỹ hôm 4/2 nói với Washington Post.

Ở những nơi tuyệt vọng nhất, như Sudan, quốc gia đang bị chiến tranh tàn phá, hậu quả đã xảy ra ngay tức thì. Một nửa trong 50 triệu dân Sudan cần viện trợ lương thực và nạn đói vẫn tiếp tục lan rộng khi quân đội nước này giao tranh với nhóm dân quân Lực lượng Hỗ trợ Nhanh (RSF) trong cuộc đấu quyền lực đẩy quốc gia đến bờ vực sụp đổ.

Sau khi USAID bị đình chỉ hoạt động, một nhân viên cứu trợ nhân đạo giấu tên ở Sudan cho biết các khoản tài trợ lên tới hàng trăm triệu USD dành cho tổ chức của họ đã bị chặn lại.

“Điều đó có nghĩa là hơn 8 triệu người đang trong tình trạng đói khát cực độ có thể đói”, anh nói. “Tiếp theo là gì? Chúng tôi phải làm gì đây?”.

USAID từng là bên tài trợ chính cho Đơn vị Ứng phó Khẩn cấp, tập hợp các nhóm biểu tình ủng hộ dân chủ đang nỗ lực tìm cách giảm bớt đau khổ trong cuộc nội chiến Sudan. Hơn 60 tình nguyện viên của tổ chức đã thiệt mạng kể từ khi xung đột nổ ra gần hai năm trước. Những người làm nhiệm vụ vận chuyển thực phẩm và thuốc men cho nhóm thường bị các bên tham chiến bắt và ngược đãi do nghi ngờ họ là gián điệp.

Theo Kuka, phát ngôn viên của Đơn vị Ứng phó Khẩn cấp, tiền viện trợ từ USAID có thể giúp họ thoát khỏi nghịch cảnh, nhưng bây giờ, họ phải tự xoay xở.

Một báo cáo nội bộ do các nhóm cứu trợ y tế tại Sudan soạn thảo cho thấy hơn 5 triệu người sẽ mất quyền tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe vì các khoản cắt giảm của USAID.

Một nhóm y tế đã điều trị cho hơn 19.000 dân thường, chủ yếu là phụ nữ, trong hai tháng qua tại Darfur, miền tây Sudan, cho biết họ không còn khả năng duy trì dịch vụ nếu không có nguồn tài trợ thay thế.

“Mọi thứ chỉ đơn giản là đột ngột dừng lại”, một nhân viên của nhóm nói.

Nhân viên từ nhóm hỗ trợ y tế khác kể rằng anh đã nhận được cuộc gọi tuyệt vọng hồi cuối tuần trước từ các quan chức y tế ở Omdurman, phía tây bắc thủ đô Sudan, cầu xin họ đưa xe cứu thương đến một khu chợ vừa bị đánh bom.

“Thật không may, tôi bảo họ rằng xe cứu thương không còn sử dụng được nữa vì lệnh đình chỉ. Đó là xe thuê nên chủ xe đã lấy lại”, người này cho hay.

Chính quyền địa phương sau đó cho biết ít nhất 54 người đã thiệt mạng và 158 người bị thương trong vụ tấn công trên.

Theo nhóm này, lệnh đình chỉ còn áp dụng với hoạt động tiêm chủng, chăm sóc trước sinh cho các bà mẹ, người đỡ đẻ và điều trị sốt rét ở các quốc gia trên khắp Đông Phi.

Tuần trước, sau khi Ngoại trưởng Rubio ban hành lệnh miễn trừ các chương trình cung cấp “hỗ trợ nhân đạo cứu người”, nhóm của họ được phép nối lại một phần công việc tại một quốc gia châu Phi, nhưng các chương trình tương tự ở những nơi khác vẫn bị đóng băng.

“Công việc của chúng tôi là cứu người. Nếu mọi thứ dừng lại, chắc chắn nhiều người sẽ chết”, một nhân viên khác của tổ chức bày tỏ lo ngại.





Một phụ nữ phải sơ tán ngồi bên chiếc lều do USAID cung cấp tại trại Kashaka IDP  ở ngoại ô thành phố Goma, Cộng hòa Dân chủ Congo, hôm 3/2. Ảnh: AFP

Một phụ nữ phải sơ tán ngồi bên chiếc lều do USAID cung cấp tại trại Kashaka IDP ở ngoại ô thành phố Goma, Cộng hòa Dân chủ Congo, hôm 3/2. Ảnh: AFP

Tại trại tị nạn Mbera ở Mauritania, tây bắc châu Phi, nơi trú ngụ của hơn 100.000 người chạy trốn khỏi cuộc khủng hoảng ở nước láng giềng Mali, động thái cắt giảm viện trợ của Mỹ đã gây ra “một cơn hoảng loạn”, điều phối viên trại Mohamed Ag Malhad cho hay.

Gia đình Malhad đến đây vào năm 2012 sau khi chạy trốn khỏi những kẻ cực đoan Hồi giáo ở Mali. Ông ước tính Mỹ cung cấp khoảng 30% kinh phí cho trại. Một trường học với 500 học sinh đã được yêu cầu dừng hoạt động. Một chương trình dành cho các nhà tâm lý học xã hội trong trại và chương trình khác nhằm hỗ trợ những người tị nạn dễ bị tổn thương nhất cũng đã bị ngừng lại.

“Điều này sẽ gây ra những hệ lụy gì?”, Malhad tự hỏi. “Thiệt hại về sinh kế, giáo dục và cả sức khỏe”.

Abdallah Ag Mohamed, người điều hành trường học mang tên “Hy vọng” tại khu trại, hôm 27/1 nhận được email về việc cắt giảm tài trợ. Theo Mohamed, kinh phí hoạt động cho trường chỉ vào khoảng 5.300 USD một tháng, nhưng nó có ý nghĩa rất lớn với học sinh. Các giáo viên đến giờ vẫn tiếp tục làm việc dù không được trả lương.

Theo Atul Gawande, cựu giám đốc y tế toàn cầu của USAID, các lệnh đình chỉ hoạt động cũng gây đình trệ nỗ lực ngăn chặn đợt bùng phát bệnh sốt xuất huyết Marburg gây chết người ở Tanzania, đà lây lan của một biến thể đậu mùa khỉ đặc biệt nguy hiểm với trẻ em ở Tây Phi, cũng như nỗ lực theo dõi một loại cúm gia cầm đã được phát hiện tại 49 quốc gia.

“Hậu quả không phải ở tương lai xa xôi. Chúng xảy ra ngay trước mắt”, ông viết trên X.

Sau những ý kiến phản đối từ cả lưỡng đảng, Ngoại trưởng Rubio hôm 1/2 công bố một khoản miễn trừ để tiếp tục tài trợ cho PEPFAR, chương trình HIV/AIDS được ca ngợi trên toàn thế giới do cựu tổng thống George W. Bush khởi xướng, đã cứu sống hàng triệu người ở châu Phi và vẫn còn 20 triệu người phụ thuộc vào nó. Mặc dù vậy, nhiều sáng kiến của PEPFAR đã rơi vào hỗn loạn.

Anele Yawa, tổng thư ký Chiến dịch Hành động Điều trị, tổ chức vận động phòng chống HIV/AIDS tại Nam Phi, cho biết hơn 15.000 người trước đây làm công việc cung cấp xét nghiệm HIV, dịch vụ tư vấn cùng các chương trình phòng ngừa xã hội khác đã buộc phải ngừng làm việc và nhiều người vẫn chưa quay trở lại.

Theo lời bà, việc giao thuốc kháng virus đến tận nhà và truy vết tiếp xúc không còn được thực hiện. Nhiều phòng khám đã đóng cửa từ tuần trước.

“Tôi được biết rằng thuốc vẫn đang bị giữ lại tại các phòng khám ở châu Phi”, thượng nghị sĩ Cộng hòa Bill Cassidy hồi đầu tuần viết trên X. “Phải khắc phục điều này ngay lập tức”, ông nói thêm, đồng thời gọi PEPFAR là “hình mẫu của quyền lực mềm”.

Tại một phòng khám đã đóng cửa ở Johannesburg, Nam Phi, hôm 4/2, một người đàn ông nhiễm HIV sắp đến kỳ kiểm tra sức khỏe 6 tháng, thời điểm bác sĩ thường kê đơn thuốc kháng virus cho đợt sử dụng tiếp theo. Nhưng anh cho biết đã hết thuốc hai tuần qua. Là người nước ngoài, anh sợ đến bệnh viện công, sợ bị trục xuất.

“Tôi sẽ phải lên kế hoạch khác”, anh nói rồi leo lên chiếc xe máy phóng đi.

Tại Kenya, một bà mẹ ba con hôm 31/1 cho biết phòng khám cô hay lui tới hiện chỉ cấp lượng thuốc dùng trong một tháng cho đơn thuốc kháng HIV 6 tháng của cô do lo ngại về tình trạng thiếu hụt.





Người tị nạn Tigray nhận khẩu phần ăn từ USAID tại một trung tâm chuyển tiếp ở miền đông Sudan, gần biên giới Ethiopia, năm 2021. Ảnh: AP

Người tị nạn Tigray nhận khẩu phần ăn từ USAID tại một trung tâm chuyển tiếp ở miền đông Sudan, gần biên giới Ethiopia, năm 2021. Ảnh: AP

Bộ trưởng Y tế Kenya cho hay đất nước có đủ thuốc cho 6 tháng, nhưng các phòng khám đã phải hạn chế cấp phát thuốc cho người bệnh vì không thể chắc chắn về nguồn cung tiếp theo.

“Nếu tôi chết, ai sẽ chăm sóc con tôi?”, người mẹ ba con ở Kenya nói. Cô đã đi khám lại hôm 3/1 và được cấp thêm 30 ngày thuốc.

“Thế là được sống thêm một tháng nữa”, cô nói, tay mân mê những viên thuốc vừa được phát.

Vũ Hoàng (Theo Washington Post, AFP, Reuters)




Source link

Từ khoá:

Bài viết liên quan Tin nhanh