Hôi miệng – Báo VnExpress Sức khỏe

Hôi miệng có thể do chăm sóc sức khỏe răng miệng kém hoặc cảnh báo vấn đề sức khỏe khác.

Hơi thở hôi có nhiều mùi khác nhau, tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra.

Nguyên nhân

Các nguyên nhân tiềm ẩn gây hôi miệng bao gồm:

  • Thuốc lá: Các sản phẩm thuốc lá gây ra các loại mùi hôi miệng. Ngoài ra, chúng còn làm tăng nguy cơ mắc bệnh nướu răng, có thể là nguyên nhân dẫn đến mùi hôi.
  • Thức ăn: Sự phân hủy của các mảnh thức ăn mắc kẹt trong răng có thể gây ra mùi hôi. Một số thực phẩm tiêu biểu như hành, tỏi. Sau khi được tiêu hóa, các sản phẩm phân hủy của chúng sẽ được máu đưa đến phổi, đưa đến hơi thở.
  • Khô miệng: Nước bọt làm sạch miệng một cách tự nhiên. Nếu miệng khô tự nhiên hoặc do một lý bệnh cụ thể, mùi hôi có thể tích tụ.
  • Vệ sinh răng miệng kém: Đánh răng và dùng chỉ nha khoa sau bữa ăn góp phần loại bỏ các mảnh thức ăn nhỏ có thể tích tụ và phân hủy từ từ, tạo ra mùi hôi.
  • Chế độ ăn kiêng ít carbohydrate: Sự phân hủy của các hóa chất tạo ra chất béo gọi là ceton. Những ceton này có mùi khó chịu khi mùi hơi thở phát ra.
  • Thuốc: Một số loại thuốc có thể làm giảm tiết nước bọt, do đó làm tăng mùi hôi. Số khác có thể tạo ra mùi khi chúng phân hủy và giải phóng các hóa chất trong hơi thở.
  • Bệnh lý về miệng, mũi và họng: Sỏi chứa vi khuẩn hình thành trên amidan ở phía sau cổ họng, tạo ra mùi hôi. Ngoài ra, nhiễm trùng hoặc viêm ở mũi, họng hoặc xoang có thể là nguyên nhân.
  • Dị vật: Hôi miệng có thể xảy ra nếu có dị vật kẹt trong khoang mũi, đặc biệt là ở trẻ em.
  • Bệnh tật: Một số bệnh ung thư, suy gan và các bệnh chuyển hóa khác có thể gây ra chứng hôi miệng. Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) có thể gây hôi miệng do axit dạ dày trào ngược thường xuyên.

Nguyên nhân hiếm gặp:

Lý do phổ biến nhất khiến hơi thở có mùi là do vệ sinh răng miệng, song tình trạng này cũng có thể do các bệnh lý khác, bao gồm:

  • Nhiễm toan ceton: Khi nồng độ insulin ở người mắc bệnh tiểu đường xuống rất thấp, không thể sử dụng đường hiệu quả. Thay vào đó, cơ thể bắt đầu sử dụng chất béo để dự trữ năng lượng. Khi chất béo bị phân hủy, ceton được tạo ra và tích tụ.
  • Tắc ruột: Hơi thở có thể có mùi như phân nếu nôn mửa kéo dài, đặc biệt nếu tắc ruột.
  • Giãn phế quản: Đây là tình trạng mạn tính trong đó đường thở trở nên rộng hơn bình thường, tạo điều kiện cho chất nhầy tích tụ, dẫn đến hôi miệng.

Chẩn đoán

Ngoài biện pháp khảo sát hàm lượng vi khuẩn trên bề mặt lưỡi, một số loại máy dò phức tạp có thể đánh giá mùi chính xác hơn, bao gồm:

  • Halimeter: Là dụng cụ đo lường chất khí sulfur khi một người thở ra. Điều này phát hiện nồng độ lưu huỳnh trong miệng.
  • Sắc ký khí: Là kỹ thuật tách các hợp chất ở trạng thái khí, đo ba hợp chất lưu huỳnh dễ bay hơi gồm hydrogen sulfide, methyl mercaptan và dimethyl sulfide.
  • Xét nghiệm BANA: Đo nồng độ một loại enzyme cụ thể do vi khuẩn gây chứng hôi miệng tạo ra.

Điều trị

Vệ sinh răng miệng thường xuyên, đúng cách.

  • Đánh răng ít nhất hai lần một ngày hoặc sau mỗi bữa ăn.
  • Dùng chỉ nha khoa làm giảm sự tích tụ của các mảnh thức ăn và mảng bám giữa các kẽ răng. Đánh răng chỉ làm sạch khoảng 60% bề mặt răng.
  • Làm sạch răng giả cần được làm sạch hàng ngày. Điều này ngăn ngừa vi khuẩn tích tụ.
  • Thay bàn chải đánh răng 2-3 tháng một lần cũng rất quan trọng.
  • Vệ sinh lưỡi: Vi khuẩn, thức ăn và tế bào chết thường tích tụ trên bề mặt lưỡi, đặc biệt ở những người hút thuốc.

Bên cạnh đó, khám răng và làm sạch cao răng hai lần một năm cũng có thể giúp ích. Nếu mắc bệnh nướu răng, việc vệ sinh chuyên nghiệp tại nha khoa là điều cần thiết để loại bỏ sự tích tụ vi khuẩn trong các khe giữa nướu và răng.

Tránh khô miệng

Uống nhiều nước, tránh uống rượu và hút thuốc để ngăn tình trạng mất nước trong miệng. Nhai kẹo cao su không đường, có thể giúp kích thích sản xuất nước bọt. Nếu miệng bị khô mạn tính, thuốc kích thích tiết nước bọt có thể giúp ích.

Chế độ ăn uống lành mạnh

Hạn chế thực phẩm có mùi nồng như hành, tỏi và đồ ăn cay. Thực phẩm có đường cũng có liên quan đến chứng hôi miệng. Giảm tiêu thụ cà phê và rượu, đồng thời tiêu thụ các loại thực phẩm thô (ngũ cốc, trái cây tươi) trong bữa sáng để góp phần làm sạch phần sau của lưỡi.

Bảo Bảo (Theo Medical News Today, WebMD)




Source link

Từ khoá:

Bài viết liên quan Sức khỏe