TP HCMSau khi uống sữa dê, bé Minh, 7 tháng tuổi, nổi mề đay đỏ toàn thân kèm thở rít, bác sĩ chẩn đoán phản vệ độ 2.
Mẹ thiếu sữa nên bé Minh phải uống thêm sữa công thức. 4 ngày trước khi nhập viện, bé uống khoảng 150 ml sữa bò sau đó bị phản vệ nhẹ, được cấp cứu tại một bệnh viện. Người nhà cho bé thử uống sữa dê, hai tiếng sau bé nổi ban đỏ toàn thân, sưng phù, thở mệt, tức ngực, chảy nước mũi, vào Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7 cấp cứu.
Ngày 6/2, BS.CKI Cao Hoàng Thiện, khoa Cấp cứu, cho biết bé bị phản vệ độ 2 gây co mạch nên khó lấy ven. Bé được hỗ trợ thở oxy, tiêm thuốc chống sốc, chống dị ứng. Sau 30 phút cấp cứu, bé giảm sưng phù, mề đay, nhịp thở ổn định. “Nếu đến viện trễ hơn, bệnh nhi có nguy cơ tụt huyết áp, ngừng hô hấp, tuần hoàn”, bác sĩ Thiện nói.
Sau khi cấp cứu, bệnh nhi được theo dõi, xuất viện trong ngày. Bác sĩ tư vấn thực hiện xét nghiệm dị nguyên để tìm nguyên nhân gây bệnh, đồng thời hướng dẫn phụ huynh ngưng toàn bộ sữa công thức từ đạm động vật và thực phẩm chứa sữa, chỉ bú mẹ, ăn dặm.
Phản vệ độ 2 là tình trạng trung bình nặng. Theo bác sĩ Thiện, bé Minh từng bị phản vệ nên có nhiều khả năng xảy ra tình trạng này thêm nhiều lần. Nguyên nhân bé bị dị ứng đạm sữa bò chủ yếu là do hệ thống miễn dịch tự động sản xuất ra kháng thể miễn dịch IgE, trung hòa các protein có trong sữa. Dù gia đình có chuyển qua sữa dê hay sữa cừu, trẻ vẫn có khả năng bị mẫn cảm chéo. Hiện chưa có nghiên cứu hay số liệu thống kê, tuy nhiên đa phần trường hợp dị ứng với sữa bò cũng dễ bị dị ứng sữa của các loại động vật khác.
Phản vệ có thể xuất hiện ngay lập tức từ vài giây, vài phút đến vài giờ sau khi trẻ tiếp xúc với dị nguyên. Đây là mức độ nặng nhất của phản vệ do đột ngột giãn toàn bộ hệ thống mạch và co thắt phế quản. Có 4 cấp độ phản vệ gồm nhẹ (độ một) với các biểu hiện trên da như ngứa, mề đay, sưng phù môi, mắt, tay chân… Độ hai như trường hợp bé Minh sẽ đi kèm khó thở, đau bụng, nôn, tiêu chảy, tim đập nhanh, tăng huyết áp…. Độ ba là nguy kịch với triệu chứng nặng hơn kèm rối loạn ý thức. Ở độ 4, trẻ bị ngừng tuần hoàn, hô hấp, dẫn đến tử vong.
Bên cạnh dị ứng đạm sữa, trẻ có thể bị phản vệ do dị ứng thuốc (thường gặp nhất là kháng sinh), thức ăn, nọc côn trùng… Bác sĩ Thiện khuyến cáo phụ huynh cho trẻ ăn uống bất kỳ thực phẩm lạ hãy cho con thử một lượng nhỏ, sau đó quan sát và tăng dần. Nếu trẻ có biểu hiện dị ứng, cha mẹ cho trẻ ngừng dùng ngay và đưa đến cơ sở y tế gần nhất.
Đình Lâm
* Tên người bệnh đã được thay đổi
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh trẻ em tại đây để bác sĩ giải đáp |
Source link