Ai nên tầm soát đột quỵ sau Tết?

Nhà tôi ba thế hệ, có người bị huyết áp cao, người mắc bệnh tiểu đường muốn tầm soát đột quỵ sau Tết. Các thành viên khác có cần tầm soát cho an toàn không? (Bảo Trung, TP HCM)

Trả lời:

Đột quỵ là tình trạng y tế khẩn cấp, xảy ra khi mạch máu não bị tắc nghẽn hoặc vỡ gây tổn thương não, các tế bào não chết hàng loạt trong thời gian ngắn do thiếu oxy và dinh dưỡng. Người bệnh đột quỵ không được cấp cứu, can thiệp sớm có nguy cơ cao biến chứng, di chứng nghiêm trọng, tử vong. Thể loại đột quỵ thường gặp là đột quỵ thiếu máu não, kế đến là chảy máu trong não (xuất huyết não), tỷ lệ ít hơn là huyết khối tĩnh mạch nội sọ.

Ai cũng có nguy cơ đột quỵ nhưng nguy cơ cao hơn ở người cao tuổi, đang mắc các bệnh nền như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh tim mạch, rung nhĩ, béo phì, mỡ máu cao, ngưng thở khi ngủ… Người hay hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia, ít vận động cũng thuộc nhóm có nguy cơ đột quỵ.

Dịp Tết và đầu năm mới, lượng người bệnh đột quỵ có xu hướng tăng. Nguyên nhân do thời tiết lạnh kéo dài khiến mạch máu co lại, máu đặc quánh hơn, dễ hình thành cục máu đông, giảm lưu lượng máu về tim và não. Khi nhiệt độ giảm xuống, cơ thể phản xạ bằng cách tăng tiết catecholamine nhằm co các mạch máu ngoại vi để giữ nhiệt làm ấm cơ thể. Quá trình này làm tăng trương lực mạch máu, khiến huyết áp cao, người bệnh dễ chảy máu trong não, gây xuất huyết não.

Thêm vào đó, hiện tượng co mạch giúp cơ thể giữ nước có thể làm tăng độ nhớt máu. Khi nhiệt độ giảm, cơ thể có xu hướng tăng sản xuất hồng cầu và tiểu cầu nhằm tăng sự trao đổi chất, dễ dẫn đến máu vón cục tạo thành cục máu đông, từ đó tăng nguy cơ tắc nghẽn mạch máu gây nhồi máu não.

Nhiều yếu tố khác dẫn đến tăng nguy cơ đột quỵ sau Tết như ăn uống không điều độ hoặc tiêu thụ quá nhiều thực phẩm giàu chất béo xấu, nhiều đường, tinh bột. Di chuyển xa hoặc tham gia các hoạt động lễ hội, vui chơi, du lịch làm đảo lộn chế độ sinh hoạt, vận động, ngủ nghỉ. Một số trường hợp người mắc bệnh nền tự ý dừng sử dụng thuốc, quên uống thuốc khi đi chơi, kiêng uống thuốc trong dịp Tết…

Trong nhà bạn, những người trong nhóm nguy cơ cao nói trên nên ưu tiên tầm soát. Bạn nên đưa người thân đến cơ sở y tế có chuyên môn về tầm soát đột quỵ hoặc cấp cứu đột quỵ để được bác sĩ khám và tư vấn gói tầm soát đột quỵ phù hợp với mỗi thành viên trong gia đình mình.

Tầm soát đột quỵ là biện pháp an toàn giúp phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ tiềm ẩn, chủ động kiểm soát bệnh nền, hỗ trợ phòng ngừa, giảm nguy cơ đột quỵ sau Tết. Trong quá trình tầm soát, dựa trên kết quả khám lâm sàng, hỏi bệnh sử, bác sĩ có thể chỉ định các xét nghiệm, chụp chiếu phù hợp với mỗi người, giúp kiểm tra toàn diện, tìm yếu tố nguy cơ tiềm ẩn bên trong. Điển hình như chụp CT 1975 hoặc 768 lát cắt, chụp MRI 1,5-3 Tesla giúp phát hiện sớm các bất thường của mạch máu hoặc cấu trúc bên trong não như cục máu đông, tắc nghẽn, hẹp, phình, dị dạng mạch máu não, xơ vữa mạch máu, u não…





Chụp MRI 3 Tesla giúp tầm soát, phát hiện sớm các yếu tố bất thường có nguy cơ đột quỵ. Ảnh: Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7

Chụp MRI 3 Tesla giúp tầm soát, phát hiện sớm các yếu tố bất thường có nguy cơ đột quỵ. Ảnh: Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7

Xét nghiệm máu giúp đánh giá nguy cơ bệnh đái tháo đường, tim mạch gây tắc mạch máu não. Siêu âm tim hỗ trợ bác sĩ tầm soát các bệnh lý van tim, cơ tim. Đo điện tim có thể phát hiện các bất thường rối loạn nhịp tim, thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim cũ. Đo đa ký giấc ngủ để kiểm tra chất lượng giấc ngủ, khảo sát các bất thường hoặc rối loạn trong giấc ngủ, nhất là ngưng thở khi ngủ dễ dẫn đến đột quỵ… Từ đó, bác sĩ có chỉ định phù hợp, kiểm soát kịp thời các yếu tố nguy cơ, tránh biến chứng đột quỵ.

BS.CKII Trần Lê Thanh Tâm
Trưởng đơn vị Thần kinh
Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7

Độc giả đặt câu hỏi về bệnh thần kinh tại đây để bác sĩ giải đáp



Source link

Từ khoá:

Bài viết liên quan Sức khỏe