Viêm mũi dị ứng và cúm khác nhau thế nào?

Viêm mũi dị ứng và cúm có dấu hiệu nào khác nhau, làm sao để phân biệt và phòng ngừa? (Mỹ Linh, 28 tuổi, Bình Dương).

Trả lời:

Viêm mũi dị ứng là tình trạng phản ứng quá mức của cơ thể khi tiếp xúc với tác nhân như phấn hoa, bụi mịn, lông thú cưng, hoặc thay đổi thời tiết. Người bệnh thường có biểu hiện hắt hơi liên tục với dịch nhầy trong, kèm ngứa mũi, đỏ mắt, ngứa mắt, chảy nước mắt. Bệnh không gây sốt, không lây nhiễm và không cần sử dụng kháng sinh, song có thể tiến triển thành viêm xoang, viêm họng, viêm thanh quản… do người bệnh phải thở nhiều bằng miệng.

Còn cúm là bệnh do virus cúm influenza gây ra, không liên quan tác nhân từ môi trường. Bệnh gây sốt, đau họng, mệt mỏi, thỉnh thoảng hắt hơi, dịch nhầy đặc màu xanh hoặc vàng, đau nhức cơ thể. Cúm có thể tự khỏi sau khoảng 2-7 ngày nhưng triệu chứng ho có thể kéo dài đến vài tuần.

Virus có thể xâm lấn gây các biến chứng viêm phổi, nhiễm trùng máu, viêm cơ tim, suy hô hấp, tử vong cao hơn nếu gặp yếu tố lớn tuổi, mang thai, trẻ nhỏ, suy giảm hệ miễn dịch, mắc bệnh mạn tính… Mới đây nhất, nữ diễn viên Từ Hy Viên (Đài Loan) tử vong do biến chứng viêm phổi khi mắc cúm.

Hiện nhiều người nhầm lẫn giữa viêm mũi dị ứng và cảm cúm, tự dùng kháng sinh dẫn đến biến chứng nặng, phải phẫu thuật chỉnh hình cuống mũi, như trường hợp người đàn ông 45 tuổi (Đồng Nai) điều trị tại Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP HCM vừa qua.





Viêm mũi dị ứng do dị ứng với phấn hoa, bụi mịn... không phải do vi khuẩn, virus gây nên. Ảnh: Vecteezy

Viêm mũi dị ứng do dị ứng với phấn hoa, bụi mịn… không phải do vi khuẩn, virus gây nên. Ảnh: Vecteezy

Nếu có các triệu chứng hắt hơi liên tục, chảy nước mũi trong và ngứa mũi, bạn nên nghĩ đến viêm mũi dị ứng. Trường hợp bị sốt, đau nhức cơ thể, và dịch mũi đặc, có thể là dấu hiệu của cảm cúm hoặc viêm xoang nhiễm khuẩn. Để biết chính xác nguyên nhân, bạn nên đi khám, không tự điều trị khiến bệnh nặng hơn.

Hiện cúm có thể phòng ngừa hiệu quả đến 90% và ngăn biến chứng như viêm phổi, viêm cơ tim, suy hô hấp… bằng vaccine. Việt Nam có hai loại vaccine cúm phòng 4 chủng virus phổ biến gồm A/H1N1, A/H3N2, B/Yamagata, B/Victoria, dành cho trẻ từ 6 tháng tuổi và người lớn. Trẻ từ 6 tháng đến dưới 9 tuổi cần tiêm hai mũi cách nhau tối thiểu một tháng nếu chưa từng chủng ngừa cúm. Vaccine cần nhắc lại hàng năm. Phụ nữ nên tiêm phòng cúm trước và trong thai kỳ, tốt nhất từ tháng thứ 3 trở đi để bảo vệ sức khỏe, truyền kháng thể thụ động cho con.

Ngoài ra, bạn cũng có thể phòng ngừa bằng cách thường xuyên đeo khẩu trang khi ra đường, rửa tay, tránh tiếp xúc với nguồn gây dị ứng và người mắc các bệnh viêm đường hô hấp. Chế độ ăn nên đủ chất dinh dưỡng, thường xuyên vận động để nâng cao thể trạng và cần mặc ấm khi đi ngoài trời lạnh. Trường hợp mắc bệnh cần khám sớm, không nên điều trị theo mẹo dân gian hoặc tự ý sử dụng thuốc, kháng sinh làm bệnh nặng hơn.

Bác sĩ Nguyễn Như Điền
Quản lý Y khoa Miền Bắc, Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC

Độc giả đặt câu hỏi tư vấn vaccine để bác sĩ trả lời tại đây.



Source link

Từ khoá:

Bài viết liên quan Sức khỏe