Kiếm tiền tỷ từ cà na tách hạt

Sóc TrăngAnh Ngô Tuấn Thanh, 36 tuổi, dành nhiều năm nghiên cứu, khởi nghiệp thành công với sản phẩm cà na tách hạt, mỗi năm thu lãi hơn một tỷ đồng.

Vườn cà na gần 7.000 m2 với hơn 120 cây nằm tại TP Sóc Trăng cung cấp nguyên liệu mỗi đợt (3 tháng) hơn ba tấn cho anh Thanh. Cạnh vườn là xưởng sản xuất loại trái đặc sản của anh, với hơn 10 nhân công.

Anh Thanh tốt nghiệp công nghệ thông tin và quản trị kinh doanh, nhưng ngay từ nhỏ đã được cha truyền lại tình yêu với nông nghiệp. Sau vài năm làm cơ quan nhà nước, tiếp xúc nhiều bạn trẻ đam mê khởi nghiệp, anh Thanh mong muốn tạo ra giá trị cao hơn cho những sản vật của miền Tây. Gia đình có vườn cà na Thái cho trái quanh năm giúp anh ý tưởng cho sản phẩm mới. Sau khi nghiên cứu, chàng thanh niên bắt tay làm cà na muối – món quà vặt quen thuộc với nhiều người.





Cà na tách hạt chua ngọt. Ảnh: An Minh

Cà na tách hạt chua ngọt. Ảnh: An Minh

Trái cà na hay còn gọi là trám xanh, trước đây mọc hoang nhiều ở các tỉnh miền Tây. Cà na được chế biến thành món ăn vặt như cà na ngào đường, ngâm muối ớt. Theo y học cổ truyền, cà na có vị chua ngọt, tác dụng thanh nhiệt giải độc, hỗ trợ trị mất ngủ, ho, cân bằng cholesterol…

Theo anh Thanh, nhu cầu thị trường của cà na chua ngọt không thiếu, bởi đặc sản này còn khá mới lạ ở các khu vực miền Bắc và Trung. Ngoài ra các loại cà na chế biến trên thị trường không đủ cung ứng do nhược điểm khó bảo quản, chưa tiện dụng. “Cái khó là làm sao để món ăn quen thuộc trở thành sản phẩm chất lượng, song vẫn giữ được hương vị truyền thống”, anh Thanh nói.

Nghĩ là làm, anh Thanh quyết định dùng 400 triệu đồng tích góp để đầu tư hàng loạt máy móc hiện đại như máy rửa ozone, máy dập, máy sấy, đóng hộp, để làm cà na dập. Anh cho rằng trái cà na được trồng rất tự nhiên nhưng để đảm bảo chất lượng, anh đầu tư máy móc để loại bỏ thuốc trừ sâu, đảm bảo sản phẩm đến tay người tiêu dùng phải là loại tốt nhất.





Vườn cà na cho trái quanh năm của gia đình anh Thanh. Ảnh: An Minh

Vườn cà na cho trái quanh năm của gia đình anh Thanh. Ảnh: An Minh

Có được thành phẩm ưng ý sau 3 tháng, anh Thanh đem đi chào bán ở các cửa hàng trong tỉnh, nhưng kết quả đều bị từ chối. “Vì đầu tư hoàn chỉnh từ khâu nguyên liệu tới mẫu mã nên giá thành cà na của tôi cao hơn thị trường rất nhiều”, anh Thanh nói, cho biết không bỏ cuộc mà quyết định dùng gần 100 triệu đồng để mở cửa hàng giới thiệu sản phẩm ở TP Cần Thơ.

Những ngày đầu chỉ bán được vài hộp nhưng anh không nản lòng mà tiếp tục nghĩ ra cách tiếp thị mới. Chủ cơ sở chuyển hướng bán hàng qua mạng xã hội để tiếp cận số đông người tiêu dùng. Anh hiểu rằng khi không thể cạnh tranh về giá, nâng cao chất lượng là cách duy nhất để tiếp cận thị trường.

Chỉ vài tháng sau đó, sản phẩm cà na dập chua ngọt của anh Thanh đã được khách hàng khắp nơi biết đến với chất lượng vượt trội. Lúc này, khách hàng phản hồi rằng cà na của anh ngon nhưng khi sử dụng chưa tiện do còn hạt. Anh lại bắt tay vào nghiên cứu cách tách hạt.

Anh Thanh tự tham khảo trên mạng rồi mày mò nhờ xưởng cơ khí làm dụng cụ tách hạt cầm tay. Sản phẩm làm ra đã đáp ứng được mong muốn của khách hàng nhưng lại phát sinh vấn đề là rất tốn thời gian sơ chế nguyên liệu. Chủ cơ sở lại cùng với một kỹ sư nghiên cứu và mất hơn 2 năm để làm ra máy tách hạt cà na, chi phí hơn 80 triệu đồng. Đây cũng là máy tách hạt cà na đầu tiên trên thị trường, giúp anh làm ra sản phẩm độc quyền, được khách hàng ưa chuộng.





Anh Thanh kiểm tra sản phẩm trước khi giao đến khách hàng. Ảnh: An Minh

Anh Thanh kiểm tra sản phẩm trước khi giao đến khách hàng. Ảnh: An Minh

Có được công nghệ, quy trình chuẩn, anh Thanh bắt tay vào tìm kiếm nguyên liệu tại các tỉnh miền Tây đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng. Anh rất kỹ lưỡng trong khâu chọn nguyên liệu, đó phải là các trái cà na còn tươi vừa thu hoạch, được ướp đá và vận chuyển đến xưởng trong khoảng 6 tiếng. Mục đích của việc này là giữ được màu xanh của loại trái đặc sản này.

Nguyên liệu được chọn khi về đến xưởng sẽ được nhân công tách hạt ngay trong 2 tiếng; rồi rửa bằng máy ozon, ướp đường sau đó trữ đông ngay. Khi có người đặt hàng, anh Thanh mới đóng gói sản phẩm và gửi đi trong ngày. Với cách làm này cà na muối truyền thống vẫn được vị chua, ngọt quen thuộc nhưng không chát, trái còn màu xanh và đẹp mắt.

Với định dạng 500 gram, anh Thanh bán giá 80.000-90.000 đồng mỗi hộp. Sản phẩm khi để trong ngăn mát sẽ bảo quản được hơn một tháng, còn trữ đông có thể lên đến 12 tháng. Nhờ quyết tâm và sự nhanh nhạy trong tiếp cận thị trường, hiện cà na tách hạt của anh Thanh bán đi khắp nơi trên cả nước.

Hiện mỗi tháng cơ sở của anh làm ra hơn 2 tấn cà na tách hạt. Ngoài sản phẩm chủ lực, anh Thanh còn làm cà na sấy để khách xách tay đi nước ngoài. Thời gian gần đây, anh nghiên cứu làm thành công chùm ruột tách hạt. Sau khi trừ chi phí, chủ cơ sở thu lãi khoảng 100 triệu đồng mỗi tháng.

Nói về dự định trong tương lai, anh cho biết chưa bao giờ hài lòng với thành quả mình đạt được và vẫn tiếp tục nghiên cứu để biến những món đặc sản của địa phương thành sản phẩm chất lượng, có thương hiệu.

Với lượng hạt cà na, chùm ruột, anh Thanh đang nghiên cứu để làm đồ mỹ nghệ, tận dụng tối đa phế phẩm này. Cạnh đó, anh còn phát triển cách kênh để hướng dẫn người dùng chế biến món ăn từ cà na tách hạt. Vào dịp Tết vừa qua, anh Thanh nhận đặt hàng trăm ký cà na, chùm ruột tách hạt, không đủ để bán.

Chúc Ly




Source link

Từ khoá:

Bài viết liên quan Tin tức