Khó giảm cân bởi thói quen uống bia rượu

Hà NộiAnh Mạnh, 38 tuổi, thừa cân, vòng bụng 103 cm, giảm cân bất thành do vẫn uống rượu bia hàng tuần.

Anh Mạnh cao 1,68 m, nặng 81 kg, áp dụng nhiều biện pháp giảm cân như nhịn ăn gián đoạn, low-carb, tập tại phòng gym. Có thời điểm, anh giảm được 6 kg sau một tháng ăn kiêng nghiêm ngặt nhưng nhanh chóng tăng cân trở lại bởi thường nhậu 2-3 buổi một tuần.

Anh đến Trung tâm Kiểm soát cân nặng và Điều trị béo phì, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, khám. Ngày 4/2, TS.BS Lê Bá Ngọc, Phó giám đốc Trung tâm, ghi nhận anh Mạnh béo phì độ một với chỉ số BMI 28,7, số đo vòng bụng lớn (103 cm).

“Rượu bia có lượng calo cao so với thể tích của chúng, không có giá trị dinh dưỡng nhưng vẫn được cơ thể tính vào tổng năng lượng tiêu thụ hàng ngày”, bác sĩ Ngọc giải thích, dẫn ví dụ một chai bia 330 ml chứa khoảng 125 calo, 100 ml rượu vang hơn 82 calo… Khi uống rượu bia, cơ thể ưu tiên chuyển hóa cồn để giải độc thay vì sử dụng glucose (từ carbohydrate) hoặc lipid (từ chất béo) làm năng lượng. Khi cơ thể sử dụng cồn là nguồn năng lượng chính, lượng glucose và lipid dư thừa chuyển thành mô mỡ và dần tích tụ lại, nhất là vùng bụng.

Cồn còn làm tăng nồng độ hormone cortisol khiến cơ thể có xu hướng tích mỡ nhiều hơn ở vùng bụng. Nam giới uống rượu bia thường xuyên có thể làm giảm nồng độ hormone testosterone, dẫn đến mất cơ và tăng mỡ bụng. Đây chính là lý do những người uống nhiều rượu bia thường có “bụng bia” – một dạng mỡ nội tạng nguy hiểm, liên quan đến bệnh tim mạch, tiểu đường và rối loạn chuyển hóa.

Do anh Mạnh ít có thời gian tập luyện và muốn giảm mỡ vùng bụng nhanh hơn, bác sĩ chỉ định phương pháp đông hủy mỡ vùng bụng kết hợp chế độ dinh dưỡng, tập luyện phù hợp. Chuyên viên dinh dưỡng không đưa ra một thực đơn cố định bắt buộc anh Mạnh tuân thủ. Thay vào đó, anh được tư vấn bữa ăn khoa học, có thể tham gia các bữa tiệc mà vẫn giảm được lượng calo nạp vào. Bác sĩ Ngọc lưu ý không có mức độ tiêu thụ rượu bia nào là an toàn, nên anh cần hạn chế tối đa để không ảnh hưởng đến kết quả giảm cân và sức khỏe toàn diện.

Sau 3 tháng, anh giảm được 7 kg, vòng bụng giảm 8 cm, hạn chế uống rượu bia, sức khỏe ổn định.





Uống rượu bia trong thời gian dài làm tăng nguy cơ tích mỡ trở lại, khiến giảm cân thất bại. Ảnh minh họa: Minh Đức

Uống rượu bia trong thời gian dài làm tăng nguy cơ tích mỡ trở lại, khiến giảm cân thất bại. Ảnh minh họa: Minh Đức

Bác sĩ Ngọc cho hay sau hơn 3 tháng Trung tâm Kiểm soát cân nặng và Điều trị béo phì hoạt động, với hơn 1.000 người đến khám, trong đó phần lớn nam giới đều có uống rượu bia, một số trường hợp còn uống rượu hàng ngày. Ngoài gây tích tụ mỡ bụng, uống rượu bia còn khiến nhiều người giảm cân thất bại. Bởi các loại đồ uống này kích thích cảm giác thèm ăn, nhất là thực phẩm nhiều dầu mỡ, giàu carbohydrate và muối khiến họ ăn quá mức và tiêu thụ thực phẩm kém lành mạnh. Uống rượu bia, đặc biệt vào buổi tối, có thể giảm chất lượng giấc ngủ. Thiếu ngủ làm tăng hormone ghrelin (hormone kích thích đói) và giảm leptin (hormone báo no), từ đó ăn nhiều hơn vào ngày hôm sau. Ngoài ra, thiếu ngủ cũng làm giảm khả năng đốt mỡ và tăng tích trữ chất béo trong cơ thể.

Sau khi uống rượu bia, cơ thể mất nước, thiếu hụt điện giải và giảm sức bền, khiến cơ thể mệt mỏi, ít vận động. Khi tập luyện, cơ thể phải ưu tiên xử lý rượu trước, làm giảm hiệu suất tập luyện và khả năng đốt cháy mỡ.





Phần lớn nam giới khi đến khám tại Trung tâm Kiểm soát cân nặng và Điều trị béo phì đều cho biết họ có sử dụng rượu bia. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Phần lớn nam giới khi đến khám tại Trung tâm Kiểm soát cân nặng và Điều trị béo phì đều cho biết họ có sử dụng rượu bia. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Uống nhiều rượu bia không chỉ gây tăng cân và mỡ thừa mà còn dẫn đến nhiều hệ lụy khác đối với sức khỏe. Theo TS.BS Vũ Trường Khanh, Trưởng khoa Tiêu hóa – Gan mật – Tụy, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, người thừa cân, béo phì, lạm dụng rượu bia rất dễ mắc phải các bệnh lý liên quan đến gan, điển hình là gan nhiễm mỡ… Gan nhiễm mỡ không được điều trị kịp thời và đúng cách có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm gan, xơ gan, ung thư gan, ảnh hưởng đến tim mạch.

Bác sĩ Ngọc đánh giá điều trị giảm cân là quá trình phức tạp, phối hợp nhiều chuyên khoa nên cần được thực hiện theo mô hình “all in one” đa mô thức. Phác đồ giảm cân theo chuẩn y khoa, tác động vào nhiều cơ chế chuyển hóa của cơ thể, hạn chế hình thành mỡ, tăng cường chuyển hóa mỡ, ly giải mỡ, không gây mất nước, tiêu chảy hay chán ăn, do đó đảm bảo sự an toàn. Người bệnh không bị mệt mỏi, không gia tăng nguy cơ khiến bệnh nền đang mắc nặng hơn, hạn chế tăng cân trở lại.

Minh Đức

* Tên người bệnh đã thay đổi

Độc giả đặt câu hỏi bệnh nội tiết tại đây để bác sĩ giải đáp



Source link

Từ khoá:

Bài viết liên quan Sức khỏe