Theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, khi bỏ công an, thanh tra cấp huyện, chính quyền xã sẽ được bổ sung nhiều thẩm quyền và hoạt động hiệu quả hơn.
“Tới đây phải tập trung cho xã để họ có nguồn lực thực hiện nhiệm vụ, khi công an rồi thanh tra và có thể nhiều đơn vị khác không còn nữa”, ông Mẫn nói tại phiên họp Thường vụ Quốc hội, cho ý kiến dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi, ngày 5/2.
Theo dự thảo luật này, quận, phường, xã thuộc đô thị sẽ không tổ chức HĐND, chỉ tổ chức UBND là cơ quan hành chính tại địa phương. Việc sửa các luật về Tổ chức Chính phủ, Tổ chức chính quyền địa phương hướng tới phân cấp, phân quyền mạnh hơn để tháo gỡ vướng mắc hiện nay.
Theo Chủ tịch Quốc hội, nguyên tắc phân định thẩm quyền sẽ xác định rõ quan hệ Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội, cũng như thẩm quyền của các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp. Xu thế quản lý cần theo hướng địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm, Trung ương kiến tạo, Quốc hội giám sát, Chính phủ điều hành.
“Tới đây Quốc hội không quản lý danh mục đầu tư công, không quản lý danh mục tiền mà giao một khối cho Chính phủ. Chính phủ chịu trách nhiệm phân bổ về cho địa phương, không còn cơ chế xin – cho. Thủ tướng cũng giao quyền lại cho bộ, ngành, địa phương”, ông Mẫn nói.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ làm rõ khả năng đáp ứng của các cơ quan, tổ chức người được phân cấp, đảm bảo tính khả thi, tránh đùn đẩy trách nhiệm, tránh tình trạng cùng thực hiện theo luật, nghị định, thông tư như nhau, nhưng “có địa phương làm quyết liệt, không xin xỏ trung ương, không nói khó, nhưng có địa phương kêu tại luật”.
Phát biểu bế mạc hội nghị Trung ương khóa 13 hôm 24/1, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết Trung ương yêu cầu nhanh chóng triển khai đề án tiếp tục sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy công an theo mô hình ba cấp bộ, tỉnh, xã, không tổ chức công an cấp huyện.
Báo cáo tổng kết thi hành Luật Thanh tra cũng chỉ rõ cấp huyện không có nhiều nhu cầu thanh tra, biên chế rất ít, không phát huy được hiệu quả. Việc giảm đầu mối cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện (713 thanh tra huyện) phù hợp với chủ trương của Đảng về tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế; khắc phục tình trạng dàn đều về biên chế của các cơ quan cấp huyện, bổ sung nhân lực để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của thanh tra tỉnh. Khi không tổ chức cơ quan thanh tra cấp huyện thì chức năng, nhiệm vụ của cơ quan này sẽ được chuyển cho cấp tỉnh.
Luật Chính quyền địa phương sửa đổi sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp bất thường ngày 12-18/2.
Source link