Ăn hải sản, thịt nạc, trái cây, hạn chế thêm đường, chất béo bão hòa hoặc muối giúp trẻ nhận đủ chất dinh dưỡng cần thiết trong khi vẫn hạn chế lượng calo tổng thể.
Chọn thực phẩm lành mạnh
Protein: Trẻ nên ăn hải sản, thịt nạc, gia cầm, trứng, các loại hạt và hạt không ướp muối, sản phẩm từ đậu nành.
Trái cây: Phụ huynh khuyến khích bé ăn nhiều trái cây tươi, có thể tìm loại trái cây đóng hộp có hàm lượng đường bổ sung thấp.
Rau: Trẻ nên ăn nhiều đậu Hà Lan, những loại rau lá xanh như cải xoăn, rau diếp chứa các hợp chất bảo vệ não gồm folate, vitamin E và K1. Thực phẩm này cũng tốt cho thị lực, góp phần ngăn ngừa thoái hóa điểm vàng, tăng cường chức năng nhận thức cho trẻ.
Ngũ cốc: Cha mẹ cho trẻ ăn ngũ cốc nguyên hạt, chọn bánh mì làm từ lúa mì nguyên cám, yến mạch, bỏng ngô, hạt diêm mạch hoặc gạo lứt.
Sữa: Trẻ dùng các sản phẩm từ sữa không béo hoặc ít béo như sữa chua, phô mai có lợi cho sức khỏe. Uống sữa tươi thường xuyên giúp trẻ tăng sức đề kháng, thúc đẩy sức khỏe xương.
Hạn chế lượng calo từ đường bổ sung
Đường trong trái cây, sữa được coi là đường tự nhiên. Đường bổ sung bao gồm đường nâu, chất tạo ngọt từ ngô, sirô ngô và mật ong. Để tránh đường bổ sung, cha mẹ hãy kiểm tra nhãn dinh dưỡng, chọn ngũ cốc có lượng đường bổ sung tối thiểu, uống nước ép nguyên chất. Trẻ tránh soda, các loại đồ uống khác có thêm đường.
Kiểm soát chất béo bão hòa
Chất béo bão hòa chủ yếu có trong thực phẩm động vật như thịt đỏ, xúc xích, thịt gia cầm, bơ pizza, bánh sandwich, bánh mì kẹp thịt. Các món tráng miệng như bánh ngọt và kem cũng có chất béo này. Cha mẹ nên thay thế chất béo bão hòa bằng dầu thực vật, dầu hạt, cung cấp axit béo thiết yếu, vitamin tốt cho sức khỏe tổng thể của trẻ.
Hạn chế muối
Muối có thể ẩn trong bánh sandwich, pizza, các món mì ống, súp. Cha mẹ khuyến khích trẻ ăn vặt bằng trái cây, rau thay vì khoai tây chiên, bánh quy. Gia đình nên kiểm tra nhãn dinh dưỡng, tìm kiếm sản phẩm có hàm lượng natri thấp khi mua thực phẩm.
Phụ huynh không nên nêm nếm muối cho trẻ trước 12 tháng tuổi. Bé ăn muối sớm có thể phát triển sở thích ăn mặn, tăng nguy cơ huyết áp cao, suy giảm hệ miễn dịch. Huyết áp cao có liên quan đến nhiều bệnh tim mạch khác. Trẻ ăn nhiều muối cũng có thể gây mất canxi qua nước tiểu, tăng nguy cơ gãy xương, đau nhức xương khi trưởng thành.
Nếu phụ huynh có thắc mắc về dinh dưỡng cho trẻ em hoặc lo ngại cụ thể về chế độ ăn, hãy trao đổi với bác sĩ dinh dưỡng.
Lê Nguyễn (Theo Mayo Clinic)
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh trẻ em tại đây để bác sĩ giải đáp |
Source link