Xu hướng thay bữa trưa bằng đồ ăn vặt ngày càng phổ biến với người lao động Singapore, Việt Nam và Thái Lan, nguyên nhân chủ yếu vì áp lực công việc.
Sau hai giờ, tô bún cá trên bàn làm việc của Priscilla Lee, một chuyên viên ngân hàng ở Singapore, vẫn còn nguyên. Bận gọi điện khách hàng suốt giờ trưa, đến khi xong việc cô mất cảm giác ngon miệng và tô bún nguội ngắt bị tống vào thùng rác.
Cho dù là bún cá hay cơm gà, điều này xảy ra thường xuyên đến mức Lee không còn bận tâm “trưa nay ăn gì”. Thay vào đó, cô chọn ăn vặt bằng các loại hạt, khoai tây chiên hoặc bánh quy.
“Rất khó để vừa ăn vừa làm việc”, người phụ nữ 32 tuổi này chia sẻ. “Khi tôi cố gắng ăn một bữa đúng nghĩa, chỉ được vài miếng rồi lại bỏ dở”.
Tháng 8/2024, công ty phân tích dữ liệu Euromonitor International có trụ sở ở London đã công bố một báo cáo cho thấy 11% người Singapore trưởng thành thường xuyên thay bữa ăn bằng đồ ăn vặt, tăng từ 8% năm 2023. Trong khi đó, 13% nhân viên văn phòng Thái Lan, Anh và 14% Việt Nam, 17% ở Mỹ và 18% ở Ấn Độ ăn vặt vào bữa trưa.
Lee biết thói quen ăn vặt thay cơm của mình không tốt, nhưng với cô làm việc hiệu quả quan trọng hơn bữa ăn lành mạnh. “Tôi thích ra ngoài ăn hơn vì đó là lúc có thể thư giãn. Nhưng vì khối lượng công việc quá nhiều, tôi thà bỏ bữa trưa để không phải làm thêm giờ”, cô nói.
Ông Carl Quash III, người đứng đầu bộ phận thực phẩm đóng gói, đồ ăn vặt và dinh dưỡng của Euromonitor International, cho biết người lao động từ 30 đến 44 là nhóm lớn nhất thay bữa ăn bằng đồ ăn vặt.
Trong quá trình hành nghề, phó giáo sư Verena Tan, trưởng chương trình dinh dưỡng và ăn kiêng tại Viện Công nghệ Singapore nhận thấy thói quen này đặc biệt phổ biến ở nhóm dân số trẻ tuổi, những người có xu hướng bận rộn, ăn vặt sẽ thuận tiện để họ nạp năng lượng khi đang di chuyển.
Bà Soh Wan Keem, chuyên gia dinh dưỡng của Nutrimaxx Consultancy, Singapore, cho biết việc ngày càng dễ tiếp cận với đồ ăn vặt cũng “đang thay đổi thói quen ăn uống của nhiều người Singapore”. Ví dụ, làm việc tại giúp dễ dàng tìm đến đồ ăn vặt hơn.
Đối với Huda Zainal, một quản lý bán hàng 38 tuổi, khoai tây chiên và bánh quy là những món cô dùng cho bữa trưa tại nhà bởi sự tiện lợi. “Bạn chỉ cần mua một giỏ đồ ăn vặt và để ở nhà, mọi bữa ăn sẽ được giải quyết”, Zainal chia sẻ.
Một số người lao động cho biết ăn vặt cũng phổ biến ở nơi làm việc. Quản lý khách hàng quan hệ công chúng Tiara Putri, 29 tuổi, cho biết ăn vặt thay cơm ít nhất ba lần một tuần. Đồ ăn trưa của cô phụ thuộc vào những loại trái cây, khoai tây chiên, bánh quy có tại văn phòng. Đồng nghiệp của Putri cũng tương tự.
Cô tin mọi người muốn hoàn thành khối lượng công việc, nhưng “văn hóa làm việc châu Á” – nơi công việc được ưu tiên và mọi người thường ngại nói chuyện với cấp trên – cũng đóng một vai trò nhất định.
“Nếu một người nhìn xung quanh văn phòng và thấy đồng nghiệp làm việc suốt giờ ăn trưa, việc mình đứng dậy rời đi vài tiếng đồng hồ gần như là không hợp lý”, cô nói.
Cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt cũng là nguyên nhân dẫn đến ngày càng phổ biến của đồ ăn vặt, ông Quash của Euromonitor International cho biết, do giá thấp hơn.
Và đôi khi, đồ ăn vặt đơn giản hấp dẫn hơn so với bữa ăn vì giúp giảm bớt áp lực công việc. “Ăn vặt rất thoải mái khi căng thẳng tăng cao”, Serene Chew, quản lý cấp cao về truyền thông chiến lược tại một tổ chức tài chính, cho biết.
Người phụ nữ 35 tuổi, người tự nhận mình là “người nghiện ăn vặt”, ăn nhiều loại đồ ăn vặt như khoai tây chiên, các loại hạt, chocolate hoặc trái cây, tùy thuộc vào tâm trạng. Hơn nữa cô vừa làm vừa học lên thạc sĩ, nên việc ăn vặt trên đường di chuyển từ nhà đến văn phòng, trường học thuận tiện hơn.
Các chuyên gia dinh dưỡng và sức khỏe cho biết việc thỉnh thoảng ăn vặt thay cho một bữa ăn đúng cách là chấp nhận được và điều quan trọng là phải điều độ. Tần suất và liệu việc này có trở thành vấn đề hay không sẽ phụ thuộc vào một số yếu tố như chất lượng của đồ ăn vặt, cũng như chế độ ăn uống tổng thể, lối sống và mục tiêu sức khỏe của người đó. Nếu người đó duy trì chế độ ăn uống cân bằng nói chung với các bữa ăn dinh dưỡng thường xuyên, có thể sẽ không có vấn đề gì.
Tuy nhiên, nếu đồ ăn vặt thay thế bữa ăn 3-4 lần/tuần, có khả năng người đó sẽ thiếu các chất dinh dưỡng thiết yếu như protein, chất xơ và vitamin.
Dù lý do là gì, các chuyên gia dinh dưỡng cho biết việc thay bữa ăn bằng đồ ăn vặt trong thời gian dài có thể dẫn đến ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể và làm trầm trọng thêm các vấn đề sức khỏe.
“Nhiều loại đồ ăn vặt thường được tiêu thụ có xu hướng chứa nhiều carbohydrate tinh chế, chất béo không lành mạnh và đường, sẽ góp phần gây tăng cân, kiểm soát lượng đường trong máu kém và tăng nguy cơ mắc các bệnh mạn tính như tiểu đường và bệnh tim”, chuyên gia Soh nói.
Chuyên gia dinh dưỡng Annabelle Johnson cho biết tác hại của ăn vặt chưa nhìn thấy ngay. “Nhưng về lâu dài, chế độ ăn uống của chúng ta dự đoán rất nhiều tình trạng sức khỏe. Vì vậy, những gì chúng ta ăn hàng ngày rất quan trọng”.
Bảo Nhiên (Theo CNA)
Source link