Tàu tuần dương hạt nhân Đô đốc Nakhimov dự kiến hạ thủy và thử nghiệm trên biển vào mùa hè, sau hàng chục năm đắp chiếu tại cảng.
“Lò phản ứng hạt nhân thứ hai trên tuần dương hạm Đô đốc Nakhimov đã khởi động ngày 2/2. Lò phản ứng thứ nhất được kích hoạt hồi cuối tháng 12/2024”, hãng thông tấn Nga TASS dẫn lời nguồn tin trong ngành công nghiệp quốc phòng cho biết hôm 4/2.
Hai lò phản ứng hạt nhân được khởi động cho thấy toàn bộ hệ thống cung cấp năng lượng của Đô đốc Nakhimov đã sẵn sàng hoạt động ở mọi chế độ. “Cuộc thử nghiệm trên biển của tuần dương hạm sẽ bắt đầu vào mùa hè năm nay”, nguồn tin nói thêm.
Đô đốc Nakhimov là một trong 4 tuần dương hạm chạy bằng năng lượng hạt nhân thuộc Đề án 1144 “Orlan”, còn được gọi là lớp Kirov, được Liên Xô biên chế ngày 30/12/1988. Chiến hạm lớp Kirov sở hữu hệ thống vũ khí mạnh tương đương một hạm đội tàu chiến, khiến chúng được mệnh danh là “siêu pháo đài nổi” thời Liên Xô.
Tuần dương hạm Đô đốc Nakhimov nằm cảng từ năm 1999, quá trình đại tu và hiện đại hóa bắt đầu từ năm 2013 do nhà máy Sevmash thực hiện.
“Nỗ lực đưa Đô đốc Nakhimov trở lại hoạt động đã nhiều lần bị gián đoạn, một phần lý do bắt nguồn từ xung đột Nga – Ukraine, song cũng cần nhớ rằng đây chưa bao giờ là nhiệm vụ dễ dàng”, biên tập viên Thomas Newdick của chuyên trang quân sự Mỹ War Zone nhận định.
Dù vẻ ngoài không thay đổi nhiều so với thời Liên Xô, Đô đốc Nakhimov sẽ được trang bị những hệ thống điện tử, thông tin liên lạc và vũ khí hiện đại nhất của Nga hiện nay. Lò phản ứng hạt nhân trên tàu được giữ nguyên, nhưng các thiết bị duy trì hoạt động và kiểm soát sẽ được nâng cấp, bảo đảm khả năng vận hành ổn định và an toàn trong hàng chục năm.
Vũ khí nguyên bản gồm 20 tên lửa diệt hạm siêu thanh P-700 Granit sẽ được thay bằng tên lửa hành trình Kalibr và diệt hạm siêu thanh P-800 Oniks, giúp Đô đốc Nakhimov trở thành nền tảng chiến đấu đa năng, có khả năng diệt hạm, chống tàu ngầm và tấn công mục tiêu mặt đất từ khoảng cách 2.500 km.
Chiến hạm cũng có thể mang tên lửa siêu vượt âm Zircon, do loại tên lửa này dùng chung ống phóng thẳng đứng với hệ thống Kalibr và Oniks.
Sau quá trình nâng cấp, tàu có thể mang tối đa 176 bệ phóng thẳng đứng, gồm 80 ống cho tên lửa chống hạm và đối đất, cùng 96 quả đạn phòng không thuộc hệ thống S-400 phiên bản hải quân. Nhiệm vụ phòng thủ tầm gần sẽ được giao cho 8 tổ hợp Pantsir-M với tối đa 32 đạn trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu.
“Đô đốc Nakhimov sẽ được trang bị lượng ống phóng nhiều hơn bất cứ chiến hạm mặt nước hoặc tàu ngầm nào đang hoạt động trên thế giới”, Newdich cho hay.
Ngoài Đô đốc Nakhimov, hải quân Nga hiện vận hành một tuần dương hạm duy nhất thuộc Đề án 1144 là Pyotr Đại đế. Truyền thông Nga cho biết Pyotr Đại đế sẽ trải qua đợt đại tu và nâng cấp tương tự Đô đốc Nakhimov. Tuy nhiên, một số nguồn tin cho rằng hải quân Nga có thể loại biên Pyotr Đại đế nhằm tập trung nâng cấp tuần dương hạm Đô đốc Ushakov.
Chiến hạm còn lại là Đô đốc Lazarev đang chuẩn bị được tháo dỡ để bán sắt vụn.
“Nếu Đô đốc Nakhimov sở hữu những vũ khí và cảm biến mới như kế hoạch đề ra, nó sẽ là chiến hạm mặt nước mạnh nhất của hải quân Nga. Con tàu cùng tuần dương hạm Pyotr Đại đế sẽ trở thành trung tâm của các hạm đội Nga, do chưa rõ khả năng tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov quay lại hoạt động”, Newdick nhận xét.
Nguyễn Tiến (Theo TASS, AP, TWZ)
Source link