Người nhà cho biết ông bị tê bì chân tay, đi điện châm dẫn tới bỏng, mất cảm giác nhưng không đi viện. 6 tháng nay, ông tự điều trị tại nhà bằng kháng sinh song loét ngày càng nặng. Điện châm là phương pháp điều trị y học cổ truyền kết hợp kỹ thuật hiện đại, trong đó dòng điện nhẹ được đưa qua kim châm cứu đã đặt vào các huyệt trên cơ thể.
Ngày 5/2, bác sĩ Dương Minh Tuấn, Khoa Nội tiết – Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết bệnh nhân tiền sử đái tháo đường, vết thương bị hoại tử, nhiễm trùng nặng, nguy cơ phải cắt cụt. Hiện, ông được điều trị kháng sinh do chân còn nhiều mủ.
Theo thống kê, khoảng 5-7% số người bệnh đái tháo đường có biến chứng loét bàn chân. Nguy cơ cắt cụt chi ở người bệnh đái tháo đường cao gấp 15-46 lần so với người bình thường. Nam giới có biến chứng đái tháo đường ở bàn chân nhiều hơn nữ giới.
Bác sĩ khuyến cáo bệnh nhân đái tháo đường cần kiểm tra bàn chân hằng ngày, đặc biệt là giữa các ngón chân để phát hiện vết loét, nứt, bầm tím hoặc nhiễm trùng. Vệ sinh và dưỡng ẩm đúng cách, rửa chân bằng nước ấm. Dùng khăn sạch lau khô thật kỹ, đặc biệt giữa các ngón chân để tránh nhiễm nấm. Cắt móng chân thẳng ngang, không cắt sát quá để tránh móng mọc ngược, dùng dũa để mài mịn các cạnh sắc. Nếu móng chân dày hoặc có dấu hiệu nhiễm trùng, nên nhờ nhân viên y tế hỗ trợ.
Luôn bảo vệ bàn chân khỏi tổn thương như đi giày dép, ngay cả khi ở trong nhà, tránh giẫm phải vật sắc nhọn. Duy trì mức đường huyết ổn định để giảm nguy cơ tổn thương thần kinh và mạch máu ở chân.
Ăn uống lành mạnh, tập thể dục và tuân thủ điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ.
Định kỳ kiểm tra bàn chân tại cơ sở y tế, ít nhất 1-2 lần/năm hoặc ngay khi có dấu hiệu bất thường. Nếu xuất hiện vết loét, sưng đỏ, đau hoặc nhiễm trùng, cần đi khám ngay để tránh biến chứng nặng.
Thùy An
Source link