IMAX 3D – trải nghiệm điện ảnh phi thực! | HDVietnam

Daniel vừa xem xong bộ phim Harry Potter 6 trên hệ thống IMAX 3D. Đây là lần đầu tiên trải nghiệm những hình ảnh 3 chiều đích thực. Hết sức ấn tượng! Nếu chơi chữ thì xin lấy tựa của một bộ phim hoạt hình cũ rất hay trước đây để bình luận về cảm giác của Daniel: Incredible!!!

Thông tin chi tiết hơn về HP6 3D mời các bạn xem ở đây

Giới thiệu chung về hệ thống IMAX

IMAX (hay Image MAXimum) là một quy cách phim điện ảnh độ phân giải cao được công ty IMAX từ Canada giới thiệu. Nhờ đó phim có thể được phóng to trên những màn chiếu ngoại cỡ có kích thước trung bình vào khoảng 22m chiều rộng x 16m chiều cao. Nói chung trong các rạp chiếu phim IMAX, màn ảnh là toàn bộ tấm tường đối diện với máy chiếu, từ sàn nhà lên đến trần, từ vách trái sang vách phải.

Cho đến nay có khoảng 320 rạp chiếu IMAX trên toàn thế giới, chủ yếu tập trung tại Mỹ, Canada và Nhật Bản. Trong khoảng 40 nước còn lại có IMAX, số rạp trung bình chỉ khoảng một hai rạp cho mỗi nước là có khai thác thương mại. Sự thực thị trường chính của IMAX cho đến nay là ở các viện bảo tàng khoa học, hoặc các địa điểm phổ biến kiến thức cho giới trẻ.

Các thể loại IMAX gồm có IMAX tiêu chuẩn (2D), IMAX Dome (hay OmniMAX, màn chiếu vòm), IMAX 3D và IMAX Digital.

3d.jpg

IMAX tiêu chuẩn

imax.jpg

IMAX Dome

Ưu điểm của IMAX đến từ đâu?

Thứ nhất là định dạng phim. diện tích của phim IMAX lớn hơn 8 lần diện tích phim 35mm tiêu chuẩn. Như hình dưới đây, hướng chạy của cuộn phim phải xoay trục 90 độ vì diện tích quá lớn của tấm phim. Với tốc độ tiêu chuẩn 24 fps, chiều dài đoạn phim chạy qua máy chiếu IMAX gấp gần 4 lần so với bình thường. Một giờ phim IMAX nếu trải thẳng ra sẽ dài hơn 6 km. Xin lưu ý, đây là IMAX tiêu chuẩn, chưa phải IMAX 3D.

Imaxcomparison.png

Như vậy nếu một rạp chiếu thông thường có màn hình rộng 10m, phim IMAX có thể chiếu trên những màn hình kích thước đến 32m x 24m. Tuy nhiên điều này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố kỹ thuật khác nữa.

Trên hình, ta có thể đếm thấy có 15 lỗ dọc theo rìa phim cho mỗi khung hình, đây gọi là định dạng 15/70 theo thiết kế của IMAX, nhằm làm tăng sự ổn định của phim.

Ngoài ra để dành toàn bộ tấm phim cho chất lượng hình ảnh, IMAX tách riêng các kênh âm thanh. Có tất cả 6 kênh âm thanh. Trước đây các kênh này được phát đồng bộ một cách cơ học với phim. Ngày nay âm thanh được số hóa và chứa trên đĩa cứng, được đồng bộ bằng phần mềm, và không sử dụng một bộ nén âm thanh nào kiểu như Dolby, âm thanh trong IMAX được khuếch đại trực tiếp ra ampli.

Thứ hai là máy chiếu. Để những thước phim có thể lướt qua đèn chiếu với tốc độ 1.68 m/s, tương đương với tốc độ dẫn truyền tín hiệu thần kinh trong cơ thể người, đó là một thử thách lớn, vì phim sẽ bị rung giật. Với mức độ khuếch đại trung bình 300-400 lần từ máy chiếu lên màn chiếu ở cách đó 16-20m, với khán giả sẽ là không thể chấp nhận được. Tuy nhiên giải pháp kỹ thuật của các máy chiếu IMAX khắc phục được hiện tượng này. Một máy chiếu IMAX sử dụng đèn khí xenon với công suất lên đến 12-18 kW, trong khi các máy chiếu thông thường chỉ tối đa 3-4 kW.

Xenon_IMAX_1.jpg

Vì công suất quá cao, nên vấn đề giải nhiệt cho đèn chiếu phải là giải nhiệt nước. Trong hình trên và dưới đây là một đèn chiếu 15 kW, và chúng ta có thể thấy các lỗ dẫn nước ở đầu đèn. Đèn xenon được chế tạo từ phiến mỏng của tinh thể thạch anh, trong môi trường khí trơ xenon cho ánh sáng chiếu ra tương tự như ánh sáng trắng ban ngày. Áp suất nén khí trong đèn cũng là một vấn đề, vì nó lên đến 25 atm, khiến cho chỉ việc đánh rơi bóng đèn cũng là một tai họa không khác gì giật chốt một quả mìn nhưng không ném đi! Do đó phải có một lớp bảo vệ bên ngoài bóng đèn. Toàn bộ hệ thống máy chiếu nặng đến gần 2 tấn, với kích thước chiều cao 1.8m, và dài 2m.

Xenon_short_arc_2.jpg

Thứ ba là màn chiếu. Màn chiếu một số rạp IMAX được tráng bạc để tăng gấp đôi mức độ phản chiếu ánh sáng. Về tổng thể nó có thể được bố trí cong vào giữa để góc nhìn của khán giả ở các vị trí khác nhau là tương tự nhau. Nó cũng có vô số những lỗ thủng li ti để thực hiện tiêu âm, đảm bảo chất lượng âm thanh của toàn bộ khán phòng, ngoài ra do kích thước quá lớn, trong lượng một màn chiếu IMAX trung bình khoảng 1 tấn!

Thứ tư là máy quay. Dưới đây là một máy quay IMAX, ta có thể nhìn thấy cuộn phim của nó bên cạnh, và 2 bành phim to phía sau máy. Một máy quay IMAX 3D nặng đến 113 kg.

800px-IMAX_camera_1.jpg

IMAX 3D

Để tạo được cảm giác độ sâu không gian, IMAX sử dụng hệ thống 2 máy quay để ghi nhận hình ảnh tương tự như mắt trái và mắt phải của người xem. Khoảng cách giữa 2 thấu kính trái phải là 64mm, khoảng cách trung bình giữa hai mắt người. Mỗi thấu kính sẽ quay thành các cuộn phim riêng biệt và được chiếu đồng thời lên cùng một màn ảnh khiến cho khán giả tưởng như cảm nhận được chiều thứ 3 trên màn ảnh phẳng.

Để tạo được ảo giác này, có hai cách. Thứ nhất là dùng kính phân cực. Nếu không có kính, riêng mắt trái hoặc mắt phải đều nhìn thấy hình ảnh của cả máy quay bên trái và máy quay bên phải. Kết quả là một thứ màu mè nhợt nhạt và nhòe nhoẹt. Khi đeo kính vào, kính sẽ giúp cho mắt trái chỉ nhìn thấy những gì mà thấu kính bên trái chiếu ra, và tương tự, mắt phải chỉ nhìn thấy những gì mà thấu kính bên phải chiếu ra. Kết quả là ..lung linh sống động!

Như vậy một giờ phim IMAX 3D cần đến 2 x 6048 ~ 12 100 mét phim.

Nói thêm, cách thứ hai là dùng mắt kính LCD. Như ta biết, tùy trạng thái được điều khiển mà các tinh thể lỏng có thể không hoặc cho phép ánh sáng đi qua, một phần hoặc toàn phần. Vận dụng cơ chế này, mắt kính của khán giả sẽ được đồng bộ tín hiệu với máy chiếu. Như vậy khi máy chiếu phát lên màn ảnh hình ảnh thu được từ thấu kính bên trái, thì mắt kính bên trái sẽ cho ánh sáng đi qua, mắt kính bên phải thì không, như vậy chỉ có mắt bên trái đón nhận được hình ảnh. Sau đó tuần tự, đến lượt hình ảnh bên phải xuất hiện trên màn hình, thì mắt kính bên phải trở nên trong suốt, trong khi mắt kính bên trái thì tối đen. Việc thay đổi trạng thái như vậy có lâu không? Với tiêu chuẩn điện ảnh 24 fps, thực sự mỗi mắt kính này phải thay đổi trạng thái 4 lần nhanh hơn, nghĩa là 96 fps. Đó cũng đồng thời là số lượng hình ảnh xuất hiện trên màn hình. Như tính toán ở trên, nếu phương pháp này sử dụng trong hệ thống IMAX, 1 giờ phim phải cần đến hơn 24km phim. Thực ra, đây chính là một trong các phương án kỹ thuật tương lai cho các hệ thống 3D Home Theatre, khi mà kỹ thuật của các màn hình LCD cho phép đạt đến tần số 96 Hz (thực tế phải cao hơn nữa), thì muốn xem phim 3D tại gia ta chỉ cần một cặp kính LCD, giá hiện nay khoảng 100 USD.

180px-ELSA_Revelator_IR_LCD_Shutter_Glasses.JPG

(Nguồn chủ yếu từ wikipedia)​


Source link

Từ khoá:

Bài viết liên quan Tin công nghệ