Không quân Ukraine đăng video triển khai bom lượn JDAM-ER nặng nửa tấn, gấp đôi loại thường sử dụng, để tập kích mục tiêu Nga.
Video do Bộ tư lệnh không quân Ukraine công bố ngày 1/2 cho thấy tiêm kích Su-27 tăng độ cao và thả các quả bom lượn dẫn đường JDAM-ER, được cho là sử dụng thân bom Mark 83 nặng gần nửa tấn, tạo ra các vụ nổ ở rặng cây dưới mặt đất.
Bộ tư lệnh không quân Ukraine cho biết đây là tiêm kích thuộc Lữ đoàn Không quân Chiến thuật số 39, song không đề cập thời gian và địa điểm diễn ra vụ tấn công, cũng như mục tiêu máy bay nhắm tới. “Mỗi nhiệm vụ xuất kích đều có rủi ro, mỗi quả bom thả xuống sẽ cứu sống các binh sĩ”, cơ quan này cho hay.
Đây là lần đầu xuất hiện video tiêm kích Ukraine sử dụng bom lượn nửa tấn để tập kích mục tiêu Nga. Lực lượng này trước đó chỉ sử dụng các quả JDAM-ER dùng thân bom Mark 82 nặng 250 kg.
“Bom JDAM-ER dùng thân Mark 83 có sức công phá lớn gấp đôi so với Mark 82. Điều này đồng nghĩa nó có thể gây ra thiệt hại nặng hơn với các mục tiêu quân sự và hạ tầng của Nga dọc tiền tuyến”, cây bút Sakshi Tiwari viết trên trang tin quân sự Eurasian Times.
Bộ Quốc phòng Nga chưa bình luận về thông tin.
JDAM-ER là bom thông thường được gắn bộ dẫn đường, giúp nó trở thành vũ khí đối đất có độ chính xác cao. Tiêm kích MiG-29 và Su-27 Ukraine đã được hoán cải, trang bị giá treo đặc biệt để mang vũ khí khác hệ do phương Tây chuyển giao, trong đó có bom lượn và tên lửa diệt radar do Mỹ sản xuất.
Mỹ chưa tuyên bố chuyển giao phiên bản JDAM-ER dùng thân bom Mark 83 cho Ukraine, nhiều khả năng Washington đã bí mật cung cấp loại vũ khí này cho Kiev trong những gói viện trợ gần đây.
JDAM-ER có tầm bay tối đa 70 km khi thả từ độ cao và tốc độ lớn, so với 25 km của những quả JDAM thông thường. Các chỉ huy Mỹ từng tuyên bố JDAM-ER cho phép Ukraine tấn công hàng loạt mục tiêu mới, bổ sung cho khả năng tập kích tầm xa của pháo phản lực HIMARS và những vũ khí phóng từ máy bay có sẵn trong biên chế Ukraine.
Loại bom này được Ukraine triển khai từ tháng 2/2023 và dường như đã khiến Nga bất ngờ, nhưng tình thế thay đổi chỉ trong vòng vài tuần. “Tỷ lệ trúng đích giảm mạnh sau khi Nga phát hiện nó hoàn toàn không chống chịu được biện pháp gây nhiễu. Các quả bom thường xuyên trượt mục tiêu với sai số lên tới 1.200 m”, báo cáo nội bộ được Ukraine chuyển cho Mỹ hồi năm ngoái có đoạn.
Nhà sản xuất Mỹ sau đó bắt đầu chuyển giao những quả bom được nâng cấp, trang bị hệ thống dẫn đường có khả năng kháng nhiễu cao hơn. Dù vậy, Nga cũng lập tức đẩy mạnh chế áp, khiến tỷ lệ trúng đích của JDAM-ER giảm mạnh. Quân đội Ukraine năm ngoái đánh giá độ chính xác trung bình của bom JDAM-ER đạt khoảng 60%.
Phạm Giang (Theo Eurasian Times, AP)
Source link