Còn khi nói về dự án xây dựng hệ thống máy chủ đám mây khổng lồ Stargate, vài cái tên đứng đầu cả ngành công nghệ Mỹ, bao gồm cả Elon Musk đã đặt ra những câu hỏi về việc làm cách nào để gom được số vốn khổng lồ để thực hiện dự án.
Ở khía cạnh khác, những nguồn tin giấu tên nói rằng ông Son đã bỏ vài năm để tiếp cận Sam Altman, khi vị tỷ phú người Nhật gốc Hàn Quốc tìm cách củng cố vị thế của ông cũng như chính bản thân SoftBank, biến tập đoàn này trở thành một cái tên quan trọng trong cuộc đua phát triển trí tuệ nhân tạo. Để làm được điều này, ông Son cho rằng đầu tư mua cổ phần của OpenAI là trung tâm của cả một chiến lược rộng hơn để thực hiện nhiệm vụ mà ông tự đặt ra, đó là tạo ra “siêu trí tuệ nhân tạo”, thứ công nghệ có thể vượt qua khả năng của não bộ con người.
Kế hoạch ấy mô tả tham vọng đầu tư toàn diện cho công nghệ AI, từ cơ sở hạ tầng lưới điện phục vụ data center, cho tới tự động hoá hay chính những hệ thống trung tâm dữ liệu quy mô lớn. Đến giờ Son vẫn tin tưởng rằng ARM, nhà phát triển và thiết kế chip bán dẫn Anh Quốc, thuộc quyền sở hữu của SoftBank, vẫn có khả năng tự thiết kế được những con chip phục vụ vận hành thuật toán AI.
Trong suốt sự nghiệp đầu tư của bản thân, tỷ phú Masayoshi Son đã có không ít những canh bạc lớn và liều lĩnh, bao gồm cả những khoản đầu tư rất mạnh tay những thất bại thê thảm, để rồi ông trở lại với những lần thắng cuộc khiến cả thị trường nể phục. Nếu SoftBank quyết định rót 40 tỷ USD vào OpenAI, vừa để mua cổ phần của đơn vị này, vừa đầu tư để xây dựng một phần hệ thống Starlink, đây sẽ là canh bạc lớn nhất của SoftBank nói chung và của ông Son nói riêng, kể từ sau thất bại ngoạn mục trị giá 16 tỷ USD khi SoftBank đầu tư cho WeWork.
Đối với OpenAI, họ đã gọi được khoảng 20 tỷ USD sau vài vòng gọi vốn, trong đó bao gồm 13 tỷ USD từ Microsoft. Giá trị vốn hoá của họ năm 2024 ước tính đạt mức 157 tỷ USD. Cũng trong năm ngoái, SoftBank đã mua cổ phần trị giá 2 tỷ USD của OpenAI.
Cùng lúc, Sam Altman cũng đang tìm những cách giảm sự phụ thuộc của OpenAI đối với nhà đầu tư lớn nhất của họ tính đến thời điểm hiện tại, Microsoft, chí ít là ở khía cạnh tài nguyên máy chủ. Những nỗ lực ấy trải dài từ việc tự phát triển chip xử lý AI, cho tới việc hợp tác với những nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây khác như Oracle. Gần đây, Microsoft cũng đã đồng ý từ bỏ vị thế độc quyền cung cấp dịch vụ đám mây cho OpenAI, để đơn vị này tự do hợp tác với những nhà cung cấp khác.
Và như đã từng đề cập, OpenAI hiện đang thực hiện quá trình tái cơ cấu ban lãnh đạo để biến startup này từ một đơn vị nghiên cứu phi lợi nhuận trở thành một tập đoàn hoạt động thuần vì lợi nhuận, một bước chuyển dịch cho phép Altman có thêm cơ hội gọi vốn để tiếp tục mở rộng phát triển những mô hình AI thế hệ mới.
Theo FT