Những người nước ngoài học nấu món Việt

TP HCMTrong căn hộ ở quận 4, Marissa Goldstein phết dầu rồi cẩn thận nghiêng chảo để lớp bột bánh xèo trải đều.

“Món Việt đòi hỏi sự tỉ mỉ và cẩn thận”, người phụ nữ ở Boston, Mỹ nói. “Tôi đã làm hỏng rất nhiều mới được vỏ bánh giòn”.

Cạnh Marissa, bố mẹ chồng và chồng cô đang nhặt rau thơm, băm sả, khuấy nước mắm và trộn bột.

Bà mẹ bốn con Marissa Goldstein đến Việt Nam từ năm 2016, làm việc ở công ty du lịch. Từ những ngày đầu, cô đã cảm giác đường phố Việt Nam như “phòng khách khổng lồ” nơi mọi người kết nối với nhau bằng ẩm thực. Họ tụ tập uống cà phê, ăn đủ thứ thức ăn đường phố.

Marissa Goldstein nhận thấy món Việt ngon nhưng không dễ nấu. Nó là sự kết hợp cân bằng giữa mặn, ngọt, chua, cay. Marissa cũng “lạc lối” giữa hàng chục loại rau thơm như tía tô, húng quế, diếp cá dùng trong các món cuốn. “Nhưng tôi đã xem Việt Nam là nhà”, cô nói. “Ẩm thực là một cách đi sâu vào văn hóa Việt nên tôi cần chinh phục nó”.

Cuối tháng 12, nhân dịp sinh nhật chồng, Marissa rủ cả gia đình đăng ký lớp học nấu ăn.





Người nước ngoài học nấu ăn ở TP HCM, tháng 12/2024. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Người nước ngoài học nấu ăn ở TP HCM, tháng 12/2024. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Đây là lớp học riêng với số lượng 4-6 người, dạy các món truyền thống Việt Nam như bánh cuốn, bánh xèo, phở, chả giò, gỏi. Đặc biệt, số học viên là expats (người nước ngoài sinh sống và làm việc ở Việt Nam) như Marissa Goldstein ngày càng đông.

Trong thời lượng ba tiếng mỗi buổi học, cô học ba món gồm bánh cuốn hấp, gà xào sả ớt và bánh xèo. Gia đình Marissa Goldstein bắt đầu buổi học ở chợ Xóm Chiếu (quận 4), giáo viên hướng dẫn họ cách lựa chọn nguyên liệu tươi ngon và thực hành trong một căn hộ 80 m2 ở quận 4.

“Lớp học ấm cúng như được mời vào nhà của người bạn”, cô nói. Ở món gỏi cuốn, Marissa Goldstein gần như toát mồ hôi với cách giữ cho miếng bánh mềm, mỏng không rách nhưng bọc được nhân bên trong. Họ cũng ghi lại công thức sốt tương đậu phộng dùng kèm.

“Ẩm thực Việt Nam linh hoạt, có thể đáp ứng tất cả sở thích ăn uống hoặc bất kỳ chế độ ăn kiêng nào”, cô nhận xét. Dù bận rộn, họ đặt mục tiêu mỗi tuần một món Việt cho các con.





Lớp học nấu ăn của chị Bảo Vi ở quận Tân Phú, TP HCM, tháng 12/2024. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Lớp học nấu ăn của chị Bảo Vi ở quận Tân Phú, TP HCM, tháng 12/2024. Ảnh: Nhân vật cung cấp

“Nhu cầu người nước ngoài học nấu món Việt đang tăng mạnh”, chị Lê Thị Lụa, người sáng lập Lua’s Cooking Class, nói. Trước đó, mô hình lớp dạy nấu món Việt chủ yếu phục vụ khách du lịch muốn tìm hiểu sơ qua về ẩm thực Việt. Vài năm gần đây, tệp khách người nước ngoài sống ở Việt Nam đi học để áp dụng vào bữa ăn hàng ngày trở nên phổ biến.

Khảo sát của VnExpress ở các lớp tại TP HCM, Đà Nẵng cho thấy expats chiếm 15-20% lượng học viên học nấu món Việt. Khóa học này thường mang tính riêng tư, số lượng học viên 2-6 người, học phí dao động từ 800.000 đến hai triệu đồng.

“Dù ở Việt Nam có nhiều nhà hàng ngon nhưng họ vẫn học để tự nấu cho bản thân”, chị nói. “Họ muốn sử dụng các nguyên liệu địa phương”.

Nội dung lớp chị gồm cách chọn nguyên liệu, sơ chế, thái thực phẩm và cách “nấu và ăn” như người Việt Nam. Một số người mang công thức để trở về nước, nấu món Việt mời gia đình, bạn bè.

Chị Bảo Vi – người sáng lập của trung tâm Vietnamese cuisine with Locals cho biết người nước ngoài sống ở Việt Nam lâu, họ muốn học nấu để hòa nhập văn hóa và thường quan sát, tìm hiểu khá kỹ về nguyên tắc cân bằng âm dương ngũ hành trong ẩm thực Việt.

Các món được yêu cầu nhiều nhất bao gồm bún thịt nướng, chả giò, gỏi cuốn, phở. Chị Vi thường dạy ở căn hộ 80 m2, nơi họ học nấu và tìm hiểu cách sắp xếp, sinh hoạt của gia đình Việt Nam.

“Nhiều người bất ngờ trước sự phong phú của nguyên liệu Việt mà họ chưa từng thử như ngò gai, nấm mèo, rau diếp cá”, chị Văn Trang, người hướng dẫn Cooking class ở Đà Nẵng, nói.

Họ tham gia vào mọi công đoạn từ cắt, gọt, chế biến, đến nấu và trang trí món. Khách expats cũng thường so sánh hương vị họ nấu với món ăn tại các nhà hàng Việt từng thử.

Freddie Greswold, quốc tịch Anh, đã sống ở TP HCM hai năm. Chàng trai hiện là mẫu ảnh, nói chế độ dinh dưỡng là phần quan trọng trong cuộc sống và công việc. Trong những ngày đầu, anh đã cảm nhận được ẩm thực Việt Nam hoàn toàn đáp ứng được chế độ ăn của mình.

“Rất lành mạnh và giàu dưỡng chất”, anh nói. “Mỗi món ăn như ‘cuộc phiêu lưu’ vị giác”.

Anh thích nhất món hủ tíu, sự kết hợp hài hòa giữa nước dùng ngọt thanh, các loại rau, giá xanh và thớ thịt đậm đà. Tuy nhiên, món Việt đòi hỏi thời gian nấu hai đến ba giờ.

Đồng thời, chàng trai Anh cũng nhận ra khó khăn trong việc tìm mua nguyên liệu. “Nó quá nhiều thứ mà không phải lúc nào cũng dễ nhận diện”, anh nói. “Tôi cũng không biết cách nêm nếm để làm cho nó ‘đúng’ nhất”.

Cuối tháng 12/2024, Freddie Greswold muốn mình là “một phần của Việt Nam” nên quyết định đi học nấu ăn. Anh đã thực hiện được món chả giò, biết cách pha nước chấm và nhận biết được các loại rau ăn kèm.

“Khi thực hiện nó ở nhà, tôi nghĩ mình chưa làm tốt lắm”, anh nói. “Tuy nhiên, tôi tin chắc rằng nếu nấu nhiều, kỹ năng sẽ được cải thiện”.

Ngọc Ngân




Source link

Từ khoá:

Bài viết liên quan Thời nay