Việc can thiệp vào Tiktok chủ yếu là vì các quan ngại an ninh quốc gia phát sinh từ bối cảnh chính trị cụ thể, khi mà Trung Quốc đã “đã tham gia vào những nỗ lực sâu rộng và kéo dài nhiều năm để thu thập các tập dữ liệu cấu trúc cụ thể, đặc biệt là về công dân Hoa Kỳ, nhằm hỗ trợ các hoạt động tình báo và phản gián của mình.” ByteDance Ltd, trong khi đó, lại là một công ty Trung Quốc chịu sự kiểm soát toàn diện của chính phủ Trung Quốc, cân nhắc của pháp luật quốc nội quốc gia này, biến họ trở thành một công cụ gián điệp (espionage tool) hơn là một công ty tư nhân thông thường.
Phán quyết cũng ghi nhận một số thông tin quan trọng, như việc Tiktok không chỉ thu nhập thông tin cá nhân cơ bản như tên họ, email, tin nhắn bên trong ứng dụng của riêng nó. Tiktok còn có thể thu thập các dữ liệu hành vi (behavorial data), thói quen dùng bàn phím, thông tin trong danh bạ điện thoại của một người, nghề nghiệp, ghi chú liên quan những người trong danh bạ của tài khoản… Tất cả những nguồn thông tin này có thể tìm ra và từ đó xây dựng ra kết nối của các chủ thể chính trị, nhân viên hay các nhà thầu liên bang, lập hồ sơ của họ và phục vụ các mục tiêu chính trị khác.
Hệ quả về ngôn luận và biểu đạt (nếu có) từ đó là hệ quả thứ cấp, chứ không phải là hệ quả được nhắm tới của đạo luật. Theo hệ thống án lệ về tự do ngôn luận của Hoa Kỳ, điều này đồng nghĩa với việc Pháp viện có thể cân nhắc tính phù hợp (appropriateness) giữa mục tiêu quản trị nhà nước đề ra so với chính sách can thiệp, chứ không nhất thiết phải áp dụng phép kiểm tra nghiêm ngặt (strict scrutiny).
Từ đó, Pháp viện khẳng định rằng việc yêu cầu ByteDance Ltd thoái vốn trong các hoạt động liên quan đến Hoa Kỳ là tương xứng với lợi ích nhà nước được nhắm tới, và không vi phạm đến quyền tự do ngôn luận đã được bảo vệ trong Tu chính án thứ nhất.