Thực phẩm giàu canxi, vitamin D, kali, vitamin A như sữa, cá béo, tôm giúp giảm triệu chứng của bệnh nhược cơ.
Nhược cơ là bệnh rối loạn tự miễn dịch mạn tính của khớp thần kinh cơ, ảnh hưởng đến sự giao tiếp giữa dây thần kinh và cơ bắp. Triệu chứng gồm sụp mí mắt, nhìn đôi, nuốt khó, uống sặc, giảm sức cơ, khó thở hoặc thở mệt… Bệnh không được điều trị kịp thời có nguy cơ tăng nặng, làm giảm chất lượng sống, tử vong. Người bệnh nhược cơ cũng có nguy cơ cao đồng mắc các bệnh tự miễn khác như lupus, viêm khớp dạng thấp…
ThS.BS Quãng Thành Ngân, Đơn vị Thần kinh, Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7, cho biết bên cạnh điều trị theo chỉ định của bác sĩ, người bệnh nhược cơ cần duy trì chế độ dinh dưỡng khoa học để cải thiện sức khỏe tổng thể, giảm triệu chứng yếu, mỏi cơ và tác dụng phụ của thuốc ức chế miễn dịch.
Bữa ăn hàng ngày của người bệnh nhược cơ nên đảm bảo cung cấp đủ năng lượng, cân đối các nhóm dưỡng chất quan trọng gồm bột đường, đạm, béo, vitamin và khoáng chất.
Thực phẩm giàu canxi như sữa và sản phẩm từ sữa, cá béo, tôm, cua, bông cải xanh, cải bó xôi, rau dền… có thể giảm triệu chứng của bệnh nhược cơ. Canxi có tác dụng tăng dẫn truyền thần kinh, cần thiết cho hoạt động co cơ, giải phóng hormone trong cơ thể, cải thiện đau nhức và khó khăn trong vận động.
Canxi còn tham gia vào quá trình trao đổi chất, tốt cho sức khỏe tổng thể. Bổ sung thực phẩm giàu canxi còn hỗ trợ người bệnh nhược cơ giảm nguy cơ loãng xương do tác dụng phụ của thuốc ức chế miễn dịch.
Thực phẩm chứa vitamin D có nhiều trong trứng, sữa, cá béo, gan động vật, các loại nấm, ngũ cốc… Vitamin D giúp cơ thể tăng hấp thụ canxi, giảm nguy cơ loãng xương ở người bệnh nhược cơ. Vitamin D còn có tác dụng với não bộ, tham gia điều chỉnh sự phát triển của tế bào, kiểm soát hệ thần kinh cơ, giảm nguy cơ thoái hóa thần kinh và suy giảm nhận thức.
Theo bác sĩ Ngân, cơ thể còn tự tổng hợp được vitamin D thông qua tắm nắng 10-15 phút mỗi ngày vào buổi sáng sớm hoặc cuối giờ chiều, tùy theo cường độ nắng và diện tích cơ thể tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời.
Thực phẩm giàu kali. Kali đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh khả năng kích thích của tế bào thần kinh và các tế bào khác trong hệ thần kinh trung ương, thúc đẩy sự giao tiếp giữa các dây thần kinh, cơ bắp. Người bệnh nhược cơ thiếu hụt kali có thể khiến cho tình trạng yếu, liệt cơ nghiêm trọng hơn. Chuối, đu đủ, dừa, dưa hấu, các loại đậu, cải bó xôi chứa nhiều kali và các dưỡng chất, góp phần cân bằng nước, điện giải trong cơ thể.
Thực phẩm chứa vitamin A và dưỡng chất tốt cho thị lực như trứng, cải xoăn, ngô, cải bó xôi, hải sản, ngũ cốc, các loại hạt, dầu đậu phộng, đậu nành, cà chua, có tác dụng hỗ trợ người bệnh nhược cơ giảm triệu chứng yếu liệt cơ mắt, cải thiện thị lực.
Theo bác sĩ Ngân, yếu cơ vùng mắt thường là triệu chứng khởi đầu của 70-75% người bệnh nhược cơ. Nhiều trường hợp cũng chỉ gặp duy nhất triệu chứng nhược cơ mắt, với các biểu hiện như sụp mí mắt, nhìn mờ, nhìn đôi.
Người bệnh nhược cơ nên chia nhỏ các bữa ăn trong ngày, tránh ăn quá no hoặc quá nhiều cùng lúc, có thể bổ sung thêm 2-3 bữa ăn phụ xen kẽ giữa các bữa ăn chính để tăng hấp thu dinh dưỡng. Ưu tiên thực phẩm mềm hoặc kích thước nhỏ để bớt khó nhai, nuốt. Người bệnh nên ngồi thẳng, ăn chậm, nhai kỹ, tránh nghiêng đầu về phía trước khi nuốt thức ăn vì dễ nghẹn.
Người bệnh nên khám và điều trị sớm tại chuyên khoa thần kinh, tránh để lâu nguy hiểm. Tuân thủ chỉ định dùng thuốc của bác sĩ, không tự ý sử dụng thuốc để tránh tương tác thuốc hoặc tác dụng phụ nguy hiểm. Chế độ sinh hoạt, làm việc, nghỉ ngơi hợp lý kết hợp tập luyện thể dục hoặc vận động vừa sức. Kiểm soát căng thẳng, lo âu, ngủ đủ giấc. Hạn chế hoặc tránh ra ngoài khi nắng nóng. Nhiệt độ cao có thể khiến các triệu chứng nhược cơ tăng nặng đột ngột hoặc xảy ra biến chứng nguy hiểm.
Trường Giang
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh thần kinh tại đây để được bác sĩ giải đáp |
Source link