Xuất khẩu rau quả tháng 1 ước đạt 417 triệu USD, giảm 11,3% so với tháng trước và 5,2% so với cùng kỳ 2024.
Số liệu sơ bộ trên vừa được Hiệp hội Rau quả Việt Nam công bố. Hiệp hội cho biết xuất khẩu đầu năm gặp nhiều khó khăn, đặc biệt với sầu riêng – mặt hàng chủ lực. Nguyên nhân là Trung Quốc tăng cường kiểm định chất vàng O, một hợp chất có nguy cơ gây ung thư. Việc kiểm tra gắt gao khiến nhiều lô hàng bị ách tắc, buộc doanh nghiệp phải bán lại tại thị trường trong nước với giá thấp.
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cho biết đã tạm dừng bán sầu riêng sang Trung Quốc trong tháng đầu năm. Bước sang tháng 2, các doanh nghiệp đang hoàn tất thủ tục để tham gia kiểm nghiệm tại 9 trung tâm được Trung Quốc công nhận. “9 trung tâm là con số khá ít, Việt Nam cần thúc đẩy thêm để tránh tình trạng ùn ứ khi vào mùa cao điểm”, lãnh đạo một doanh nghiệp xuất khẩu tại Tiền Giang nói.
Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, ông Đặng Phúc Nguyên, nhận định nếu những rào cản về kiểm định không sớm được tháo gỡ, mục tiêu xuất khẩu 8 tỷ USD năm nay sẽ khó đạt được.
Không chỉ Trung Quốc, nhiều thị trường khác cũng nâng tiêu chuẩn nhập khẩu. Mỹ cấm 7 hoạt chất dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và yêu cầu mã số vùng trồng, mã số đóng gói do Bộ Nông nghiệp Mỹ cấp. Châu Âu tăng tỷ lệ kiểm tra thuốc bảo vệ thực vật trên nhiều loại trái cây từ 10% lên 20%.
Bên cạnh đó, biến động địa chính trị tiếp tục tác động đến vận tải biển. Căng thẳng Nga – Ukraine và xung đột ở Biển Đỏ năm 2024 đã làm gián đoạn chuỗi logistics toàn cầu, gây lo ngại cho xuất khẩu nông sản năm nay.
Năm 2023, xuất khẩu rau quả Việt Nam đạt kỷ lục 7,15 tỷ USD, tăng 27,6% so với năm trước. Hầu hết thị trường trọng điểm đều ghi nhận mức tăng trưởng 10-80%, ngoại trừ Hà Lan.
Để đảm bảo tăng trưởng bền vững, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) khuyến nghị nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp cần tăng cường liên kết, nâng cao chất lượng sản phẩm và khẳng định thương hiệu Việt trên thị trường toàn cầu.
Thi Hà
Source link