Hà NộiBà Ngọc, 50 tuổi, đau, ngứa tai trái, nghe kém gần hai tuần, bác sĩ chẩn đoán viêm tai giữa biến chứng thủng màng nhĩ.
Ngày 2/2, PGS.TS.BS Lê Minh Kỳ, Phụ trách chuyên môn khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết bà bị viêm tai giữa, vôi hóa màng nhĩ, biến chứng thủng phần màng căng của màng nhĩ bên trái. Đánh giá lỗ thủng không có thể tự lành, bác sĩ Kỳ vá màng nhĩ cho bà Ngọc để cải thiện chất lượng nghe.
Bác sĩ rạch đường sau tai lấy lớp cân cơ thái dương (lớp tế bào mỏng màu trắng, bọc ở quanh các lớp cơ dưới da ở khu vực thái dương) làm mảnh vá chờ. Sau đó, bà được cắt phần rìa lỗ thủng, làm sạch những mô viêm trên màng nhĩ và tai giữa, lấy mảng vôi hóa dày ở màng nhĩ trái. Sau khi kiểm tra các bộ phận tai trong hoạt động tốt, bác sĩ đặt mảnh vá sát bên dưới lỗ thủng, cố định bằng thuốc tự tan trong hòm nhĩ và ống tai. Hậu phẫu một tuần, bà Ngọc được cắt chỉ. Tái khám sau ba tuần, khả năng nghe của tai trái đã phục hồi tốt.
Tai giữa nối với cổ họng bằng một ống gọi là ống eustachian. Ống này giúp cân bằng áp lực giữa tai ngoài và tai trong. Cơ thể bị cảm lạnh hoặc dị ứng có thể gây kích ứng ống eustachian hoặc khiến vùng xung quanh sưng lên, giữ cho chất lỏng không chảy ra từ tai giữa, tích tụ phía sau màng nhĩ. Vi khuẩn và virus có thể phát triển trong chất lỏng này gây viêm tai giữa.
Theo bác sĩ Kỳ, người lớn vẫn có thể bị viêm tai giữa, nguy cơ cao hơn nếu người hút thuốc, mắc bệnh nền, cơ địa dị ứng thuộc nhóm có nguy cơ cao viêm tai giữa do đề kháng yếu, dễ nhiễm trùng hô hấp. Người có hệ miễn dịch suy giảm kèm bệnh lý viêm tai giữa dễ kéo dài. Do đó, khi có các bất thường liên quan đến tai, người bệnh không nên chủ quan khiến viêm tai giữa phát triển, gây biến chứng nghiêm trọng.
Triệu chứng viêm tai giữa gồm cảm giác đau tai, đôi khi có dịch chảy ra từ trong tai, cảm giác đầy tai, có thể kèm sốt, đau họng, dễ khiến người bệnh nhầm lẫn. Điều trị viêm tai giữa ở người lớn chủ yếu nhằm giảm đau, kiểm soát nhiễm trùng và ngăn ngừa biến chứng.
Theo bác sĩ Kỳ, không phải mọi trường hợp viêm tai giữa đều sử dụng kháng sinh. Nếu bệnh do vi khuẩn gây ra, bác sĩ mới kê đơn kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn kết hợp với thuốc như paracetamol hoặc ibuprofen để giảm đau và hạ sốt. Người bệnh không tự ý sử dụng kháng sinh khi chưa có chỉ định.
Nếu viêm tai giữa kéo dài hoặc gây tắc nghẽn, bác sĩ điều trị chuyên sâu như dẫn lưu dịch tích tụ trong tai. Người bệnh có thể chăm sóc tại nhà như chườm ấm, tránh tiếp xúc với môi trường ô nhiễm hoặc khói thuốc cũng hỗ trợ giảm triệu chứng.
Khuê Lâm
* Tên người bệnh đã được thay đổi
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tai mũi họng tại đây để bác sĩ giải đáp |
Source link