Dường như để đáp trả cũng như củng cố vị thế trước làn sóng DeepSeek từ Trung Quốc, Microsoft mới vừa bổ sung tính năng “Think Deeper” trên Copilot, cho phép chatbot này có khả năng “suy nghĩ, suy luận” rồi mới đưa ra câu trả lời. Động thái này cho thấy Microsoft đang có những bước đi mạnh mẽ hướng tới việc hạ chi phí để tiếp cận với các mô hình AI lý luận (AI reasoning) đầu bảng. Think Deeper của Copilot cũng chính là mô hình o1 từ OpenAI, vốn ra mắt hồi tháng 12/2024, theo lời CEO Sam Altman thì là mô hình mạnh nhất hiện có.
Dĩ nhiên cái gì hàng đầu, mới, mạnh, xịn… thì luôn kèm theo cái giá phải trả không hề dễ chịu. Để xài được OpenAI o1 không giới hạn, bạn phải đăng ký gói ChatGPT Pro tới 200 USD mỗi tháng. Nghèo hơn 1 chút thì cũng phải trả 20 USD hàng tháng để có tài khoản ChatGPT Plus, tuy nhiên việc truy cập vào mô hình o1 cũng bị giới hạn tương ứng. Còn Microsoft “chơi lớn” khi chính Mustafa Suleyman – CEO của Microsoft AI – thông báo rằng việc sử dụng mô hình o1 sẽ được cung cấp miễn phí ở bất kỳ đâu cho người dùng Copilot – cũng chính là cái nút nhỏ nhỏ “Think Deeper” kế bên khung chatbot nền tảng Windows này.
Sử dụng Copilot Think Deeper thì cực kỳ đơn giản nếu bạn là người dùng máy tính Windows. Chỉ cần mở ứng dụng Copilot (hoặc truy cập trên nền web cũng được), đăng nhập tài khoản Microsoft rồi xài miễn phí. Think Deeper khi được kích hoạt sẽ đưa ra câu trả lời chậm hơn thông thường khoảng vài giây tới hơn chục giây, tùy câu hỏi, đương nhiên rồi, chatbot còn mắc suy nghĩ nữa chứ.
Một điểm lưu ý rất lớn ở đây là nguồn dữ liệu của tính năng Think Deeper chỉ được cập nhật tới tháng 10/2023, tức là bạn hỏi về những cái phổ thông, tin tức cũ, kiến thức khoa học trước thời điểm đó thì ổn. Còn lại nếu có ý định tận dụng Think Deeper để nhờ giải quyết những vấn đề liên quan tới thông tin mới thì… thôi. Vì giới hạn này nên việc tìm kiếm thông qua Copilot, bạn nên tắt Think Deeper thì tốt hơn. Dù vậy đừng vội chê, nếu bạn biết cách sử dụng thì Think Deeper hoàn toàn có giá trị rất tốt, chẳng hạn như phân tích những sự kiện lịch sử, khoa học tự nhiên, cách sửa chữa đồ cũ, hay dễ thấy nhất là hướng dẫn, hỗ trợ lập trình, thậm chí là viết hoàn chỉnh 1 ứng dụng từ ngôn ngữ nào đó.
Trước mắt không có dấu hiệu nào cho thấy Microsoft sẽ thu phí tính năng Think Deeper. Điều này khá rõ ràng vì dù nó có thể “suy nghĩ” nhưng cập nhật thông tin chậm hơn 1 năm thì sao moi tiền người dùng được. Còn với OpenAI, họ cũng đã công bố về mô hình o3 mới hơn, xịn hơn o1, sử dụng “private chain of thought” để đưa ra các câu trả lời phức tạp hơn. Trong lĩnh vực xử lý ngôn ngữ tự nhiên, “chain of thought” là kỹ thuật giúp các mô hình ngôn ngữ lớn suy luận và giải quyết các vấn đề phức tạp bằng cách chia nhỏ chúng thành các bước nhỏ hơn, tương tự cách con người làm. Thay vì đưa ra câu trả lời ngay lập tức, mô hình sẽ “suy nghĩ” từng bước một, tạo ra một chuỗi các suy luận trung gian trước khi đi đến kết luận cuối cùng. OpenAI o3 tiến bộ hơn ở chỗ “private”, tạo ra chuỗi suy nghĩ riêng bên trong, tự xem xét và đánh giá các khả năng khác nhau, kiểm tra tính logic và nhất quán của suy luận trước khi đưa ra câu trả lời cuối cùng. Nhờ “private chain of thought”, o3 sẽ đưa ra kết quả tốt hơn đáng kể đối với các vấn đề về kỹ thuật phần mềm, logic, ít lỗi và rõ ràng rành mạch hơn.
Chắc chắn rồi OpenAI o1 còn phải trả tiền thì o3 còn lâu mới miễn phí.